Trần Trung Đạo (Danlambao) - Giống như tại Liên Xô, Đông Đức, Ba Lan, giới cầm quyền CSVN cũng sẽ từ chối và cho rằng chẳng lẽ tệ trạng nào cũng đổ lên đầu chế độ hay sao. Thế nhưng, các nghiên cứu cho thấy đúng vậy, cơ chế chính trị CS là nguyên nhân tiềm ẩn sâu xa của bệnh nghiện rượu. Giấu cơn giận trong men cay, ngăn nỗi buồn nơi đáy cốc là thái độ tìm quên tiêu cực nhưng rất phổ biến của người dân thường trước những bất công đang đè lên số phận của họ. Bịnh xã hội như thế chỉ thuyên giảm khi các điều kiện vật chất và tinh thần thay đổi theo một chiều hướng tốt đẹp hơn...
*
Sắp Tết, số lượng rượu bia được tiêu thụ chắc chắn sẽ tăng cao. Câu hỏi đặt ra tại sao Việt Nam là một trong những quốc gia dùng rượu bia cao nhất thế giới?
Nhắc lại, hôm 26 tháng 9, 2016, Báo Vietnamnet đưa tin "Đàn ông Việt uống rượu bia nhiều nhất thế giới". Theo lời Bác sĩ Trần Quốc Bảo, Cục Y tế Dự phòng dẫn chứng cho biết “Nếu tính trung bình, một người nam giới trưởng thành uống khoảng 27,4 lít cồn nguyên chất, đây là con số rất đáng báo động và là một trong số những quốc gia đứng hàng đầu thế giới về tỉ lệ này”.
Cùng lúc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng thốt lên: “Dù nước ta mọi mặt kinh tế, xã hội đều có sự phát triển, nhưng tỉ lệ dùng rượu bia đang tăng quá nhanh so với các chỉ số khác. Nếu không có biện pháp mạnh tay để hạn chế, Việt Nam sẽ là quốc gia đứng đầu thế giới về sử dụng rượu bia”.
Kỷ lục dùng rượu bia tai Việt Nam không phải ngẫu nhiên.
Theo công bố của WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) thuộc Liên Hiệp Quốc, năm 2015, chín trong số mười quốc gia tiêu thụ lượng rượu cao nhất thế giới là những nước cựu Cộng Sản. Các nước này gồm Belarus, Moldova, Lithuania, Russia, Romania, Ukraine, Hungary, Czech Republic và Slovakia.
Lấy nước Nga, từng là nước CS lớn nhất châu Âu để phân tích trước.
Tiêu thụ rượu cao tại Nga có từ thời Sa Hoàng nhưng vượt cao sau Cách mang CS Nga 1917.
Rất nhiều lý do như thời tiết, chiến tranh, nghèo khó v.v... được đưa ra để giải thích việc sử dụng rượu quá cao tại Nga CS. Những giải thích này đều không đứng vững vì sau nội chiến, khi điều kiện sống tốt hơn và những mùa không quá lạnh số lượng rượu được tiêu thụ cũng không giảm bớt.
Tháng Năm, 1985, Gorbachev tung ra chiến dịch toàn quốc chống nghiện rượu. Ông cho rằng nghiện rượu là một trong ba căn bịnh trầm trọng nhất tại Liên Xô, chỉ sau bịnh tim và ung thư. Gorbachev hy vọng việc giảm lượng rượu được dùng sẽ giúp gia tăng năng suất, nhưng kết quả trái ngược, thu nhập lợi tức từ rượu của chính phủ có giảm nhưng mức sản xuất không tăng một cách tương ứng.
Thực tế đó cũng đã xảy ra tại Ba Lan. Trong phóng sự điều tra của báo Christian Science Monitor phát hành ngày 3 tháng 3, 1981 khi chế độ CS Ba Lan còn rất mạnh, một trong những căn bịnh xã hội trầm trọng nhất tại Ba Lan là nghiện rượu. Mười phần trăm trong số mười hai triệu công nhân Ba Lan say rượu mỗi ngày. Nhà cầm quyền CS tăng giá rượu cao với hy vọng số lượng rượu được tiêu thụ sẽ giảm, nhưng không, lượng rượu được dùng đã không giảm bớt.
Tại Đông Đức, theo nghiên cứu của sử gia Thomas Kochan trong tác phẩm "The Blue Strangler - Drinking habits in the GDR”, Đông Đức trong thời kỳ CS tiêu thụ rượu cao nhất châu Âu và gấp đôi Tây Đức. Chữ “The Blue Strangler” trong tác phẩm của ông là hiệu rượu vodka Đông Đức có 40% cồn. Lương trung bình của một công nhân Đông Đức khoảng 500 Marks trong lúc một chai rượu Cognac giá 80 Marks. Trong số những người nghiện rượu hạng nặng có cả các ủy viên Trung ương đảng hay ủy viên Bộ Chính trị CS Đông Đức như trường hợp Alfred Neumann.
Tại Trung Cộng, theo công bố của WHO vào tháng 12, 2012 “Alcohol and alcohol-related harm in China: policy changes needed”, số người uống rượu tại Trung Cộng cao hơn phần lớn nhân loại với 55.6 phần trăm đàn ông và 15 phần trăm đàn bà uống rượu. Hiện nay, Trung Cộng là một trong những nước sản xuất bia nhiều nhất thế giới. Uống rượu trong giờ làm việc cũng là một tình trạng phổ biến tại Trung Cộng và tình trạng này gắn liền với tham nhũng, hối lộ trong giới chức nhà nước. Nhiều nghiên cứu cho thấy mức độ bịnh gan có liên quan đến rượu nơi giới viên chức nhà nước CS cao hơn nhiều so với giới dân thường. Ngay cả báo đảng Nhân Dân Nhật Báo cũng thừa nhận tình trạng uống rượu trong lúc làm việc và viết hàng loạt phóng sự về vấn đề này.
Các phân tích đó cho thấy cơ chế chính trị Cộng Sản là một tương quan nổi bật giữa các nước CS Liên Xô và Đông Âu trước đây cũng như Trung Cộng và CSVN hiện nay. Các thể hiện của tương quan này:
- Mượn rượu giải sầu: Nhiều công nhân, nông dân dưới các chế độ CS mượn rượu để làm lối thoát cho lòng tổn thương, thất vọng. Sự thất bại của các chính sách cai nghiện rượu cho thấy việc giải quyết không đơn giản là tăng giá như chính phủ Ba Lan hay Liên Xô đã làm nhưng phải áp dụng các cải cách chính trị kinh tế căn bản.
- Say rượu là một biểu hiện của thái độ trốn chạy thực tế (escapism): Lý do chính như Michael Binyon trong nghiên cứu Life In Russia xuất bản vào thập niên 1980 cho rằng nhiều người Nga uống rượu chỉ để say. Họ tuyệt vọng khi đối diện với một “khoảng trống tinh thần”, một xã hội không còn có những giá trị văn hóa của đất nước họ đã từng có trong lịch sử trước đó.
- Điều kiện sống: Nhà ở chật chội, lương bổng thấp, thiếu thốn mọi thứ cần thiết và sống trong bóng tối theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng đã đẩy người dân chọn rượu như là phương tiện “giải trí” dễ có nhất. Trong một xã hội thiếu thốn những món hàng căn bản trong đời sống hàng ngày của con người nhưng lại có đầy đủ rượu. Giới cầm quyền CS từ chối nguyên nhân này nhưng thực tế đó đã được rất nhiều nghiên cứu rút ra khi so sánh đời sống của công nhân dưới hai xã hội tự do và CS.
- Giới cầm quyền CS không quan tâm đến sức khỏe của người dân: Đối với giới cầm quyền CS, thu nhập và thuế do việc tiêu thu rượu đem lại quan trọng hơn là sức khỏe của người dân. Vladimir Treml, một nhà kinh tế thuộc cựu Nga CS đang làm việc tại Duke University cho biết “Hơn sáu mươi năm, thuế rượu đem lại 12 phần trăm đến 14 phần trăm thu nhập của nhà nước” và do đó nhà nước CS khuyến khích hơn là ngăn chận tệ nạn lạm dụng rượu tại Liên Xô.
Chế độ CS đã sụp đổ tại Châu Âu nhưng những căn bệnh xã hội do cơ chế gây ra đã trở thành một lối sống, một văn hóa xã hội chủ nghĩa tại những nước này và không thể dễ dàng thay đổi.
Giống như tại Liên Xô, Đông Đức, Ba Lan, giới cầm quyền CSVN cũng sẽ từ chối và cho rằng chẳng lẽ tệ trạng nào cũng đổ lên đầu chế độ hay sao. Thế nhưng, các nghiên cứu cho thấy đúng vậy, cơ chế chính trị CS là nguyên nhân tiềm ẩn sâu xa của bệnh nghiện rượu.
Giấu cơn giận trong men cay, ngăn nỗi buồn nơi đáy cốc là thái độ tìm quên tiêu cực nhưng rất phổ biến của người dân thường trước những bất công đang đè lên số phận của họ. Bịnh xã hội như thế chỉ thuyên giảm khi các điều kiện vật chất và tinh thần thay đổi theo một chiều hướng tốt đẹp hơn.
20.12.2016
0 nhận xét:
Đăng nhận xét