Phạm Thanh Nghiên (Danlambao) - Tôi mơ về những cánh đồng bát ngát, những ruộng nương không bị khai tử bởi các công trình thủy điện. Mơ không còn ai bị đẩy khỏi mảnh đất cha ông để lại, hoặc do chính bàn tay mình bỏ công bỏ của ra gầy dựng. Mơ không còn những đứa bé chở nhau trên ghe vượt qua vùng nước ngập vào bờ để xin nước uống. Giáng Sinh, tôi mơ về một giấc mơ lẽ ra đã phải là sự thực hiển nhiên từ hàng chục năm về trước...
*
Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, mưa lũ hai tháng qua làm 111 người chết và mất tích, 121 người bị thương; hơn 300.000 ngôi nhà bị ngập, hư hại. Tổng thiệt hại ước tính trên 8.500 tỷ đồng. Còn nếu tính từ đầu năm đến trung tuần tháng 12/2016, thiên tai đã làm 235 người chết và mất tích, ước tính về kinh phí trên 37.650 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỷ USD).
Nhiều ý kiến cho rằng con số thiệt hại, nhất là về người, còn có thể hơn thế. Cứ tạm lấy số liệu của Ban chỉ đạo TƯ là "chuẩn" đi, thì chẳng lẽ, những con số kinh hoàng kia ngoài ý nghĩa thống kê khô khan, không gợn chút xót xa hay rúng động nào từ những kẻ có trách nhiệm trực tiếp và cao nhất ư?
Ngoài yếu tố thiên tai, nguyên nhân chính gây ra thảm cảnh trên chính là do "nhân tai" với các vụ xả hồ thủy điện vô tội vạ. Không đợi "thế lực thù địch" hay "bọn phản động" nào tuyên truyền, mà chính báo chí "lề đảng" đã chỉ đích danh ra như thế.
Một số ý kiến đã “đổ tội” cho ý thức của người dân nên mới phải gánh chịu hậu quả nặng nề ấy. Nào là không chịu theo dõi thông tin để biết đường di dời. Nào là “ai bảo cứ làm nhà ở những vùng dễ bị lũ lụt”. Nào là ngu dốt kém hiểu biết... Tóm lại, cái gì cũng tại người dân hết, mặc dù mọi hậu quả không ai khác ngoài người dân gánh chịu.
Xin thưa, đó là lý luận của những kẻ đui mù và què quặt, một thứ khuyết tật về lương tâm. Người dân nào được quyền tham gia vào các vấn đề của đất nước để quyết định nói “Không” hoặc “Có” với thủy điện?
Thực tế đã cho thấy, khi mưa xuống các hồ thủy điện đều đồng loạt xả lũ khiến các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên chìm trong nước, người dân phải gồng mình chống lũ mà không hề được thông báo trước. Nếu có thông báo, thì cũng là thông báo lấy lệ và thời gian cũng không đủ để người dân di dời. Chả lẽ, người ta tình nguyện ở lại để chết cùng các đợt lũ khi có đủ phương tiện, thời gian “sơ tán” hay sao? Lý luận nào như thế? Chưa kể ruộng vườn, hoa màu, gia súc, giấy tờ, đồ đạc, tài sản cả một đời cơ cực làm lụng cũng bị mất trắng. Dù có giữ được mạng sống, cũng không biết phải đối mặt như thế nào với tương lai khi mà không còn kế mưu sinh. Một hậu quả khác ít được nhắc đến, đó là những ám ảnh sẽ đeo đẳng con người ta sau những gì đã chứng kiến. Những thiệt hại về tinh thần không thể đong đếm bằng tiền hay hiện vật.
Mắng người dân là ngu dốt, kém hiểu biết ư? Đấy là lối suy nghĩ và lời lẽ của loài vô ơn. Sao không nghĩ rằng, mọi căn nhà được cất lên, đều phải “xin phép” và được “chính quyền” địa phương cấp phép mới được xây dựng. Thậm chí, nếu tự ý xây thêm công trình ngoài giấy phép đã cấp (ví dụ xây toilet, cơi nới phần mái hiên... chẳng hạn), cũng có thể bị phạt. Vậy thì ai, ai cấp phép cho người dân xây nhà tại những khu vực có nguy cơ bị lũ cuốn trôi để rồi mất mạng khi mưa xuống và khi thủy điện xả lũ. Thêm nữa, nhiều hộ dân đã sinh sống, làm ăn từ nhiều đời trước, trước cả khi các nhà máy thủy điện mọc lên. Vậy ai mang thảm họa đến cho những người dân khốn khổ hiền lành ở những vùng quê nghèo khó ấy?
Và lũ, cũng chỉ tìm đến dân nghèo để hủy diệt. Trong số các nạn nhân mất xác, mất mạng, mất của, mất tài sản ruộng nương gia súc, không ai là “đầy tớ của dân”. Vì nước có dâng cao đến mấy, thì những kẻ được gọi là “đầy tớ” cũng yên ấm trong những ngôi nhà sang trọng, những biệt thự cao tầng kiên cố tọa lạc tại các vùng an toàn, các khu đất lý tưởng rồi.
Tại Hội nghị trực tuyến ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ miền Trung diễn ra ở Hà Nội sáng ngày 17/12, ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo rằng “không để dân đói khát, bệnh tật vì mưa lũ”, và phải “dựng lại nhà cho các hộ dân bị đổ sập, không để người dân nào trong tình trạng “màn trời chiếu đất”.
Tôi không biết từ lúc ra chỉ thị đến nay, ông và chính phủ của ông đã “dựng lại” được bao nhiêu trong số hàng ngàn ngôi nhà bị sập, hư hỏng? Và có ai ngoài “Ông Trời” phải chịu trách nhiệm trước cái chết oan uổng của hàng trăm con người khốn khổ? Tài sản, ruộng nương, kế sinh nhai và nhiều thứ của họ nữa, bằng cách nào để lấy lại? Tôi không muốn bình luận về các phát ngôn, hay những thứ đại loại như chỉ đạo, chỉ thị của ông trong phạm vi liên quan đến vấn đề này. Tuy nhiên, người có nhận thức bình thường sẽ hiểu rằng một nhà nước thật sự “của dân, do dân, vì dân” sẽ không bao giờ để người dân phải chịu cảnh “đói khát”, “bệnh tật”, “màn trời chiếu đất” cho dù là với bất cứ lý do gì. Huống hồ đảng cộng sản VN luôn hãnh diện và nhận mình là “lương tâm của thời đại, trí tuệ của nhân loại, là quang vinh vĩ đại muôn năm”. Và những thảm họa trên không phải bây giờ mới gặp phải, nó đã tái diễn nhiều năm nay và được dự báo rằng trong nhiều năm tới, hậu quả có thể sẽ khó lường và nghiêm trọng hơn nếu không có biện pháp khắc phục.
Trong bài viết “Phân nửa gia tài của tôi...”, Linh mục Vĩnh San của Dòng Chúa Cứu Thế đã khẳng định “Đây là một thứ nhân tai kinh hoàng! Những ai xuất thân từ ngành kỹ thuật, dù dốt đến mức nào, dù là “chuyên tu hay tại chức”, thì cũng có thể biết rằng với những phương tiện kỹ thuật hiện tại, với những trình độ của đội ngũ kỹ thuật mà đất nước đang có, không thể có sự sai lầm chết người trên diện rộng như vậy, không thể kết luận là do trình độ yếu kém ở các lãnh vục liên quan, mà phải nhận rằng dù không muốn nghĩ, có một ý đồ đen tối, bất chấp tính mạng và tài sản của người dân, bất chấp tương lai của dân tộc”.
Tôi đã chuẩn bị trong đầu nhiều điều ước để dâng lên Thiên Chúa trong ngày Giáng Sinh. Nhưng hình ảnh các tỉnh miền Trung trong những đợt lũ vừa qua khiến tôi không dám ôm đồm nhiều điều mong ước nữa. Tôi thấy mình cần phải thu hẹp mọi ước mơ của mình lại với suy nghĩ viển vông rằng, biết đâu lời cầu nguyện bé nhỏ ấy sẽ thành hiện thực.
Bây giờ, giữa thời đại cuộc sống số, chỉ cần một chiếc máy tính nối mạng là người ta đã có cả thế giới trong nhà, tôi lại trở về với ước mơ của hơn 70 năm về trước: ước mơ “người cày có ruộng”. Đó cũng là một trong những điều được đảng cộng sản Việt Nam cổ vũ người dân đòi khi họ chưa cướp được chính quyền.
Tôi mơ về những cánh đồng bát ngát, những ruộng nương không bị khai tử bởi các công trình thủy điện. Mơ không còn ai bị đẩy khỏi mảnh đất cha ông để lại, hoặc do chính bàn tay mình bỏ công bỏ của ra gầy dựng. Mơ không còn những đứa bé chở nhau trên ghe vượt qua vùng nước ngập vào bờ để xin nước uống.
Giáng Sinh, tôi mơ về một giấc mơ lẽ ra đã phải là sự thực hiển nhiên từ hàng chục năm về trước.
24.12.2016
0 nhận xét:
Đăng nhận xét