27/12/16

Tham nhũng không từ một thứ gì

Phạm Đình Trọng (Danlambao) - Từ Lê Phước Hoài Bảo đến Vũ Quang Hải, Vũ Minh Hoàng, đều là những cậu ấm còn ham chơi, học hành dang dở. Cậu ấm Lê Phước Hoài Bảo còn ham chơi chim kiểng. Cậu ấm Vũ Minh Hoàng còn học hành chưa xong. Những cậu ấm, những “em chã” * chưa tự lo được cho bản thân. Tiền ăn, tiền học, đến cả vài đồng tiền lẻ cắt tóc còn phải ngửa tay xin bố mẹ. Những “em chã” chưa thoát khỏi sự bao bọc của bố mẹ, chưa lo được cuộc sống và sự nghiệp của bản thân, mọi việc của cuộc đời còn phải do người lớn dẫn dắt, hoạch định. Bố mẹ phải lo liệu, sắp đặt cho từ chỗ ngồi học ở nước ngoài đến chỗ ngồi trong công sở ở trong nước. 

Chưa tự lo được cho bản thân nhưng là con cháu nhà quan, được quan qui hoạch, “em chã” liền sỗ sàng nhảy tót lên ngồi vào chiếc ghế quan đầu sở của tỉnh, cả gan nhảy cả lên chiếc ghế quan cấp vụ của nước khi học hành còn dang dở. Quan đầu sở của tỉnh, quan cấp vụ của nước đều là những vị trí phải lo cuộc sống, lo sự nghiệp cho cả tỉnh, cả nước lại được phó thác cho những “em chã” chưa lo được cho bản thân! Đó là tai họa cho dân, nguy khốn cho nước

Bổ nhiệm những “em chã” đó thực chất là tham nhũng quyền lực của dân được cả bộ máy tham nhũng nhà nước đóng dấu bảo hành “bổ nhiệm đúng qui trình”. Những “em chã” đó có được chiếc ghế quyền lực cao chót vót thực chất chỉ là chạy chức, chạy quyền tinh vi, “đúng qui trình” mà thôi. “Đúng qui trình” nên tham nhũng quyền lực của dân cứ ngang nhiên tiếp diễn, tràn lan phát triển như một chính sách cán bộ méo mó, bệnh hoạn, biến cơ quan nhà nước ở nhiều nơi, từ địa phương đến trung ương, những viện, vụ, ban, bệ đầy quyền uy và danh giá thành những “nhà trẻ không có bô” cho những cậu ấm cô chiêu chiếm ghế để tiến thân, như truyện ngắn Nhà Trẻ Không Có Bô của nhà văn Vũ Bão đã phát hiện và cảnh báo từ hơn ba mươi năm trước. 

Ở cái thời về pháp luật là đảng trị, ngoài xã hội là công an trị, trong các cơ quan nhà nước là gia đình trị, người dân lao động bình thường khổ một thì người hiền muốn mang kiến thức, tài năng và tấm lòng trung thực ra cống hiến cho dân, cho nước khổ gấp trăm, gấp ngàn lần. Tràn lan cảnh tham nhũng quyền lực của nhân dân, người hiền không có chỗ đứng trong xã hội, tài năng, kiến thức bị mai một, phí hoài, thôi đành bỏ nước ra đi, mang tài ra đóng góp cho xứ người!

Tham nhũng quyền lực chưa đã lòng tham. Tham nhũng quyền lực mới chỉ giúp được cho lũ con cháu đang tấp tểnh bước vào đời cái vốn liếng quyền lực nhà nước, đưa các “em chã” lên bệ phóng quyền lực. Những ông quan quyền cao chức trọng, đường đường phương diện quốc gia, ngồi ở vị trí lo việc quốc gia nhưng tầm vóc nhân cách chưa vượt khỏi gia đình, tầm nhìn chưa vượt ra ngoài khung cửa ngôi nhà của mình thì thấy chưa chu toàn với gia đình khi quyền lực lớn mà chưa làm được gì cho đấng sinh thành, dù đấng sinh thành đã về già, đã khuất núi. 

Người đã về già, đã khuất núi không thể và cũng không cần có quyền lực nữa thì phải kiếm cho họ cái danh. Và bố của ông quan truyền thông cả đời hì hục tập tọng viết ca khúc, viết kịch bản sân khấu nhưng không có ca khúc nào được phổ biến đến công chúng, không có kịch bản nào được dàn dựng, công diễn trên sân khấu chuyên nghiệp. 

Chỉ là người làm văn nghệ nghiệp dư, văn nghệ quần chúng và đã chết già nhưng quần chúng làm văn nghệ nghiệp dư đó lại là bố của ông quan đứng đầu bộ máy khổng lồ truyền thông nhà nước. Vậy là cả bộ máy truyền thông khổng lồ của nhà nước liền được vận hành rầm rộ tán tụng người đã khuất một thời làm văn nghệ nghiệp dư chưa ghi nổi cái tên vào thời sự văn nghệ đất nước dù chỉ trong khoảnh khắc, chốc lát, bỗng trở thành “một nghệ sĩ đa tài nhưng lặng lẽ”, “xứng đáng là một trong những nghệ sĩ xuất sắc, tiêu biểu cho nền văn học nghệ thuật cách mạng Việt Nam nửa sau thế kỉ 20 và đầu thế kỉ 21”. Một ông giáo sư nô lệ quyền lực còn bán mình cho quyền lực nhảm nhí, đớn hèn đến mức hùng hổ đòi trao giải thưởng nhà nước cho người hoạt động văn nghệ quần chúng ở cấp thôn xóm đó!

Cả một bộ máy quyền lực nhà nước chỉ chăm chăm xài quyền lực nhà nước vào việc chiếm đoạt những giá trị của đất nước, từ giá trị vật chất đến giá trị văn hóa, tinh thần thì đất nước, nhân dân trông chờ được gì ở bộ máy quyền lực tham lam và vô liêm sỉ đó!

Gia đình trị, cha tham nhũng quyền lực cho con, con lại tham nhũng quyền lực cho cháu. Mấy thế hệ sâu dân mọt nước, bòn rút, vơ vét của dân của nước từ cái danh đến cái quyền, làm sao đất nước không xơ xác, nhân dân không trắng tay. Và hiện thực đất nước hôm nay là hậu quả tất yếu: Đất nước tụt lại sau ngày càng xa và người dân đều trở thành dân oan. Dân oan kinh tế. Dân oan chính trị. Dân oan về phẩm giá, danh dự. Dân oan cả trong đời sống văn hóa tinh thần.

Người dân đã điêu đứng, cay đắng vì tham nhũng cố kết thành những nhóm lợi ích bòn rút vơ vét tài nguyên của cải của nước, chiếm đoạt những giá trị văn hóa của dân. Người dân càng tủi hổ, xót xa vì đám người vẫn được người dân coi là kẻ sĩ, là lương tâm, khí phách, tâm hồn của nhân dân, là tinh hoa của đất nước nhưng tâm hồn lại tối tăm, nhân cách lại thấp hèn, điếm đàng đến mức trơ trẽn bán linh hồn cho quyền lực bất chính khi cam tâm đề cao những giá trị văn hóa giả, lừa dân, hại nước.

Trong họa có phúc. Trong cái mất nào cũng có cái được. Phải chứng kiến bộ máy quyền lực nhà nước ào ạt cướp đoạt từ mọi quyền của dân đến những cái danh cao quí của nước, người dân càng nhận ra đầy đủ thực chất nhà nước đang cai trị họ, một nhà nước đạo tặc với dân chứ không phải nhà nước của dân – do dân – vì dân như bộ máy tuyên truyền của ông quan truyền thông có bố là “nghệ sĩ đa tài nhưng lặng lẽ” vẫn ra rả tuyên truyền. Nhận ra để thức tỉnh. 

Người dân cũng nhận ra cả những chân dung văn hóa thảm hại của những giáo sư, nhạc sĩ, văn sĩ, những công cụ lừa dối dân của nhà nước đạo tặc đó. Nhận ra để không bị lừa nữa.

* Em chã: Một cậu ấm trong Số Đỏ, tiểu thuyết hay nhất của nhà văn Vũ Trọng Phụng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét