Đỗ Tùng (Danlambao) - Tổng kết năm 2016 về lũ lụt ở Việt Nam: 235 người chết và mất tich, gần 2 tỉ đôla thiệt hại. Giả sử con số thống kê này chính xác thì những con số lạnh lùng đó cũng không cho biết có bao nhiêu vành khăn tang trên đầu, bao nhiêu đứa trẻ phải mồ côi vì mất cha mất mẹ, bao nhiêu gia đình phải tán gia bại sản. Không thống kê nào có thể diễn tả những đau thương hãi hùng và uất hận của người dân khi thấy dòng nước lũ nhấn chìm người thân hay cuốn phăng tài sản chắt chiu của gia đình.
Trước hết phải vạch ra nguyên nhân sâu xa gây ra lũ lụt càng ngày càng hung tợn chết người. Theo tác giả thì có 2 nguyên nhân chính:
- Phá rừng: Rừng đã bị phá cả 40 năm nay, sau ngày CS Bắc Việt xâm chiếm miền Nam. Thủ phạm là quân đội, quan chức CS và tư bản đỏ. Nói chung là "lâm tặc", một trong nhiều loại "tặc" đang tàn phá đất nước Việt.
- Đô thị hóa, bê-tông hóa, và sa mạc hóa: Đây cũng là một quá trình xảy ra khoảng 30 năm nay. Hiện tượng phổ biến là cướp đất, bán đất, và xây cất bừa bãi. Động lực là tham lam và ngu dốt. Thủ phạm là quan chức CS, tư bản đỏ trong nước và tư bản xấu nước ngoài. Ba thế lực này cấu kết với nhau để vơ vét cho đầy túi tham, phá hoại môi trường sống của người dân dưới danh nghĩa "tiến bộ" và "phát triển".
Ngoài hai nguyên nhân sâu xa nói trên, thủy điện góp phần không nhỏ trong tai họa lũ lụt giết người. Ngao ngán khi đọc bài phỏng vấn ông Vũ trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy Lợi do báo điện tử "Một Thế Giới" thực hiện và đăng ngày 19/12 và báo "Đàn Chim Việt" đăng lại ngày 21/12. Tôi nghĩ phải gọi tình trạng thủy điện ở Việt Nam là "thủy điện mù". Mù từ giai đoạn quy hoạch, thiết kế, đến giai đoạn thi công và vận hành. Nghĩa là mù từ đầu đến cuối. Mù từ trên xuống dưới. Mù chết người. Như một người mù lái chiếc xe vận tải to lớn chạy trong phố đông người. Đi đến đâu là gieo rắc tai họa chết người đến đó.
Trích trong bài phỏng vấn nói trên:
"Hơn nữa, mưa xuống phải tính được dòng chảy, còn Việt Nam hiện nay không tính được dòng chảy bởi lớp phủ đã bị bê tông hóa rất nhiều. Khi mưa xuống phải có lớp phủ thì mới thấm nước được để giảm lũ. Các thông số, địa hình hiện nay đã thay đổi, muốn tính toán được phải bỏ hàng nghìn tỉ đồng ra để đo đạc lại thông số trong khi hiện nay chúng ta chưa làm được. Chúng ta tính từ mưa ra dòng chảy thì bị sai rất nhiều. Cho nên vấn đề quy trình không giải quyết được vấn đề này."
Ở đây có hai vấn đề cần bàn:
1. Không tính được lưu lượng nước vào hồ trong vài ngày sắp tới thì vận hành một nhà máy thủy điện như thế nào? Làm sao có thể điều tiết hồ chứa để ngăn bớt lũ nếu không dự báo chính xác được nước lũ sẽ về bao nhiêu trong 24 hay 48 tiếng đồng hồ sắp tới? Mù tịt như vậy thì có khác gì anh mù lái xe đâu! Nguy hiểm chết người như vậy mà vẫn bình chân như vại, không xem tính mạng người dân ra gì thì có khác gì những kẻ giết người hàng loạt?
2. Tính toán lưu lượng dòng chảy từ dự báo lượng mưa trong lưu vực đòi hỏi những số liệu căn bản về địa hình, địa chất, thổ nhưỡng, và thảm thực vật. Không biết ở Việt Nam hiện nay có được bao nhiêu những số liệu này nhưng theo ông Hồng thì "chưa làm được" vì tốn hàng ngàn tỉ đồng. Vậy thì đến khi nào mới làm được? Vài trăm người dân chết mỗi năm chưa đủ hay sao? Mỗi năm các quan chức tham nhũng ăn cắp tài sản quốc gia bao nhiêu ngàn tỉ? Xây cất những tượng đài ở Việt Nam tốn bao nhiêu ngàn tỉ?
Trích thêm từ bài phỏng vấn nói trên:
"Các thủy điện bậc thang này chủ yếu do tư nhân vận hành, mỗi đập một chủ nên rất khó phối hợp nhịp nhàng với nhau...
...
Tuy nhiên, trường hợp này lại gặp phải một vấn đề là nếu lũ không đến trong khi xả nước rồi thì lấy đâu nước cho họ vận hành, ai bù thiệt hại cho các nhà máy thủy điện?"
Ở đây cũng có hai vấn đề:
1. Khi vùng hạ lưu đập có dân cư sinh sống thì hồ chứa phải có nhiệm vụ điều tiết lũ. Việc vận hành hệ thống thủy điện bậc thang đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ nhịp nhàng giữa các nhà máy và hồ chứa thủy điện, đặc biệt là trong mùa lũ. Mùa lũ được xác định tùy theo khí tượng thủy văn của lưu vực, và việc vận hành hệ thống thủy điện bậc thang trong suốt mùa lũ phải do một cơ quan duy nhất chỉ huy, ví dụ một Sở gì đó của Tỉnh. Nghĩa là phần dung tích chống lũ của mỗi hồ chứa không thuộc về chủ nhà máy mà thuộc về người dân, nên việc tích bao nhiêu và xả bao nhiêu chỉ có một mục đích duy nhất là bảo vệ sinh mạng và tài sản của dân chúng ở hạ lưu.
2. Mọi dự báo hay tính toán nào cũng có sai số. Đây là những rủi ro bình thường mà bất cứ ai kinh doanh cũng phải chấp nhận. Dự báo mưa hay tính toán lượng nước vào hồ từ đó quyết định xả bao nhiêu để điều tiết lũ luôn luôn có sai số. Câu hỏi "ai bù thiệt hại cho các nhà máy thủy điện?" cho thấy tư duy của quan chức CS rất giống nhau. Họ không hỏi ai phải đền mạng mấy trăm người dân bị chết vì lũ lụt, ai phải bồi thường mấy tỉ đô-la thiệt hại tài sản của dân. Vì sao họ có tư duy đó? Hỏi là trả lời!
24.12.2016
0 nhận xét:
Đăng nhận xét