18/6/17

Huyền thoại của tình yêu!

Nguyễn Trọng Dân (Danlambao) - Miền Nam có nhiều câu chuyện tình sử đi vào huyền thoại, chẳng hạn như chuyện vợ quan huyện Bùi Hữu Nghĩa, thân nữ dặm trường đói rách vẫn không nản lòng, quyết ra tận kinh đô Huế cho bằng được để đánh trống kêu oan cho chồng; hay như chuyện nàng Bạch Thu Hà bỏ nhà chịu khổ cực trên muôn dặm trường, cố ra mặt trận tìm gặp người tình đang chinh chiến là Võ Đông Sơ, khi chừng đến nơi thì hay tin chàng tử trận nên nàng quyên sinh. Ai nghe những câu chuyện tình sử này mà không khỏi động lòng. Nhạc, thơ, kịch không ngớt lời than thở cho những mối tình trắc trở này.

Thế nhưng sau năm 1975, miền Nam bỗng nhiên có cả trăm ngàn mối tình sử nước mắt nghẹn ngào đi vào huyền thoại như thế. Đó là mối tình của những người vợ lính vác giỏ đi thăm nuôi chồng bị giam trong các trại "Học Tập Cải Tạo." Thơ dân gian lúc bấy giờ cũng có câu:

"Trách ai khảy tiếng đàn bầu
Chồng đi "Cải Tạo", lòng sầu thiên thu"

Phải nói thời Quá Độ lúc bấy giờ, mọi thứ đều tem phiếu phân phối qua hợp tác xã thiếu thốn kinh khiếp, chưa kể nhà cửa, tài sản còn bị Việt Cộng cướp cho trắng tay, còn tiền bạc gì mà đi thăm nuôi chồng bị tù xa vạn dặm. Có nhiều bà vợ lính gánh một đàn con bị di dời về vùng Kinh Tế Mới, đồng không hiu quạnh nắng cháy, cố cuốc đất buôn bán bươn chải lam lũ nuôi con. Dù phèn ăn nát cả hai tay hai chân các bà nhưng bà vợ lính nào cũng ráng dành dụm chút ít, nhịn ăn nhịn mặc để có tiền đi xe thăm nuôi chồng, dù là chồng mình bị giam tận ngoài Bắc xa xôi cũng bất chấp.

Các bà vợ lính từ vùng Kinh Tế Mới đi thăm nuôi chồng học tập vì nghèo quá, túng thiếu tiền nên tính đón xe xa bến cho giá được rẻ hơn. Nhiều khi lơ xe đò cũng phải thở dài khi nghe các bà đứng bên lề đường cạnh bến, đón xe năn nỉ, "tui đi thăm nuôi học tập, nghèo quá chú ơi, cho quá giang bớt giá chút có được không?" Các bà đi thăm nuôi đón xe kiểu như vậy nhiều quá khiến nhiều bác tài xế chịu hết nổi, đành gạt lệ thở dài rồi nói, "xe của tui hôm nay hơn cả nữa xe chở mấy bà đi thăm chồng, nếu thêm chị nữa thì ngày mai tôi lấy tiền đâu mà trả tiền xăng nhớt?" Các bác tài nói vậy rồi cho lơ đóng cửa phóng xe đi luôn, nhiều khi ngoảnh lại thấy các bà vợ lính thăm nuôi lấy nón che bụi xe giữa trời nắng gắt, dáng hiu quạnh gầy nhom chờ chiếc xe khác thông cảm cho lên quá giang. Có bà vợ lính đi thăm nuôi chịu cảnh "bóng đổ bên đường" khát đói như vậy mãi gần cả ngày, nhịn uống nhịn ăn mới có xe cho quá giang. Mỗi bận đường đón xe đổi chuyến là mỗi nhọc nhằn. Có nhiều khi nhiều người khách cầm lòng không đặng, bèn xin bác tài dừng lại rồi họ phụ thêm tiền để các bà được lên xe quá giang. Nói nào ngay, dân trong Nam mình coi trọng người lính Quốc Gia lắm! Bại trận trước Cộng Sản thì dân cũng như lính, ai mà không căm, ai mà không nghẹn ngào. Do đó, các bà vợ lính đi thăm nuôi có xin miếng ăn miếng uống dọc đường hay nhờ chuyện gì là dân người ta nhào ra giúp ngay. Hơn nữa, ai cũng biết Việt Cộng nó cướp trắng sạch mà các bà vợ lính có thể dành dụm tảo tần cho ra tiền ra của đi thăm nuôi chồng học tập cải tạo năm này qua năm nọ thì khiến ai cũng phục sát đất!

Hầu hết, con cái các bà vợ lính đi học tập cải tạo đều không được đi học hành gì cả. Ở vùng kinh tế mới làm gì mà có trường, mà nếu có trường thì chế độ Cộng Sản cũng không cho đi học. Cũng may lúc này là vào thời Quá Độ, cái đói chăm sóc thân phận con người rất kỹ lưỡng nên chữ nghĩa cũng chẳng cần lắm. Chỉ cần nhà có một tô nước mắm để giữa bàn, có chút gạo nấu cơm đủ cho bọn trẻ mỗi ngày một bữa cơm là đủ. Cùng đàn con trẻ bổ cuốc bán buôn chịu nhục, nước mắt các bà âm thầm chảy, chảy miết mà cũng làm cho đất sỏi đá vùng kinh tế mới thành mềm, cây trồng ra trái. Nước mắt của cả một dân tộc bại trận trước thảm họa Cộng Sản cứ mãi đổ hoài chẳng bao giờ ngưng thì có gì là lạ.

Về sau tình trạng Kinh Tế Mới đổ vỡ do bọn cán bộ đảng quản lý các hợp tác xã, các tập đoàn, các nông trường toàn là dân "phơi cà-rem đầy đường ngoài bắc", các bà vơ lính ôm còn tràn về thành phố trở lại để kiếm sống, người dân thành thị, bà con thân quyến hay hàng xóm xưa đều nhào ra giúp đỡ. Bọn công an khu vực tức lắm nên xua đuổi các bà mãi. Cứ đêm đêm đang ngũ đập cửa xét hộ khẩu, nhiều bà vợ lính thân phận ở nhờ, làm gì mà có hộ khẩu, cứ phải ôm con trốn tuốt trên mái nhà, hay trên gác cao. Cũng may người nhà bà con hàng xóm quyết tâm che chở cho ẩn náu, ngày buôn thúng bán bưng, tối về ở nhờ ở đậu ngũ qua đêm, đợi đến kỳ thì lại đi thăm nuôi chồng tiếp. Có người có chồng học tập vài năm thì thả về, có người thì chồng chết mất xác trong trại, có người thì chồng biền biệt nằm trong trại học tập mãi không thả về... mỗi người mỗi cảnh nhưng niềm đau và cơ cực của những người phụ nữ miền Nam này thì như nhau. 

"Chàng hởi chàng là chàng có hay,
Đêm thiếp nằm luôn những sầu tây!"
(“Dạ Cổ Hoài Lang”- cụ Sáu Lầu)

Cả cái miền Nam cứ thế đùm bọc che chở cho nhau mà sống qua thời kỳ Quá Độ. Trong mười năm Quá Độ "lá rành đùm lá rách", lâu dần khổ sở cũng quen, đói kém cũng lờn, chỉ có nước mắt hàng đêm nhớ chồng thì các bà vợ lính cứ chảy mãi. Có bà còn bảo thậm chí trời đang nắng gay gắt, cuốc đất giữa đồng mà sao lệ vẫn không khô, có nhiều khi tự nhiên quẳng cuốc ra rồi ngồi phệt xuống mà khóc, bọn con trẻ chẳng hiểu nỗi lòng của người mẹ- vợ lính, nên cứ đứng nhìn. "Bại trận nhục tủi quá mà, mình biết làm gì hơn là khóc!" Nhiều bà nói vậy.

Văn học sử miền Nam sẽ phải có một ngày nêu tên và dinh danh từng người vợ lính Quốc Gia một, nêu tên và dinh danh những người vợ các công chức, vợ các thầy giáo, những ai có chồng bị Việt Cộng lùa đi “Học Tập Cải Tạo” vô cớ không xét xử. Những người phụ nữ này là biểu tượng của đức hạnh, của tình yêu, của tinh thần một đất nước mang tên Việt Nam Cộng Hòa. 

Kỷ niệm ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa 16/9, xin hãy chào những người phụ nữ miền Nam vợ lính thăm chồng học tập cải tạo như chào những anh hùng của dân tộc. Những người phụ nữ này đã làm cho tinh thần Việt Nam Cộng Hòa còn đọng lại mãi mãi trong lòng người. Và chính nước mắt của họ là huyền thoại tình yêu của dân tộc này!

18/6/2017

0 nhận xét:

Đăng nhận xét