Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội về Đồng Tâm đối thoại với dân hôm 22/4/2017.
Lê Thiên (Danlambao) - Trong bài viết ngày 24/4/2017 dưới nhan đề “Đồng Tâm - Tay không lão nông trừ bạo”, chúng tôi đã không ngần ngại đề nghị “nhân dân Đồng Tâm cũng như nhân dân cả nước hãy luôn hết sức cảnh giác về sự lật lọng của nhà cầm quyền CSVN trong mọi trường hợp!”
Ngày 13/6/2017, các cơ quan truyền thông lề đảng CSVN đồng loạt đưa tin: Liên quan đến vụ việc xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội, ngày 13-6, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 129/PC44-Đ2, để điều tra về 2 tội danh: "Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật" (theo điều 123 Bộ luật Hình sự -BLHS) và "Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản" (theo điều 143 BLHS).
Bối cảnh vụ việc Đồng Tâm.
Công dân ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức) đã bắt giữ 38 người tại nhà văn hóa thôn Hoành, gồm cán bộ huyện Mỹ Đức và Cảnh sát Cơ động Hà Nội.
Ngày 18-4, 15 Cảnh sát cơ động đã được bàn giao cho chính quyền, 3 người tự giải cứu.
Ngày 20-4, Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ ông Lê Đình Kình (82 tuổi, trú tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) - 1 trong 4 người bị bắt giữ ngày 15-4). Ông Kình được coi là người lãnh đạo cuộc đấu tranh của dân xã Đồng Tâm chống bạo quyền CS.
Ngày 21-4, người dân ở Đồng Tâm bàn giao thêm Trưởng ban Tuyên giáo huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh cho đại diện chính quyền xã và người thân.
Sáng 22-4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung “đối thoại” với người dân. Đáng chú ý, ông Nguyễn Đức Chung đã có bản cam kết viết tay gồm 3 điểm, trong đó điểm 2 cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự với người dân Đồng Tâm. Nhờ đó, 19 cán bộ huyện và cán bộ, chiến sĩ công an đang bị giữ tại nhà văn hóa thôn Hoành đã được trao trả cho nhà cầm quyền CS Hà Nội.
Hai ngày sau, vào ngày 24/4/2017, chúng tôi đưa lên Dân Làm Báo bài nhận định “Đồng Tâm- Tay không lão nông trừ bạo”. Trong bài này, chúng tôi nêu rõ:
"Trước áp lực của chính nhân dân Đồng Tâm, của một số luật sư và đại biểu Quốc hội CSVN, sau mấy lần tìm cách lẩn tránh đối thoại với dân, cuối cùng ông Nguyễn Đức Chung với tư cách Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã phải đích thân đến xã Đồng Tâm, để trực diện với nhân dân, nói chuyện phải trái và nhận trách nhiệm… hầu bảo lãnh 19 con tin được cho về với đơn vị! Ông Chung đã phải chấp nhận giải pháp bút sa gà chết! Tự tay ông viết xuống “Bản cam kết,” gồm ba điều, được ba đại biểu QHCSVN cùng ký tên xác nhận chứng kiến: Đỗ Văn Đương, Lưu Bình Nhưỡng và Dương Trung Quốc!"
Bản cam kết nhỏ mang 6 chữ ký.
Giờ đây, với quyết định khởi tố của Công an CS Hà Nội ngày 13/6/2017 nhắm vào Đồng Tâm, người dân Đồng Tâm thấy gì và nghĩ gì về lời cam kết do chính ông Nguyễn Đức Chung viết và ký tên: “Không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân Đồng Tâm.”
Trước khi là Chủ tịch UBND Thành phố kiêm Phó Bi Thư CS Thành Ủy Hà Nội, Nguyễn Đức Chung đã là Tướng Công An, hẳn ông được trang bị đầy mình một vốn liếng nghiệp vụ đồ sộ nặng trĩu luật pháp và pháp chế xã hội chủ nghĩa. Nghề nghiệp càng lâu càng dài của ông Chung càng giúp ông vô vàn mánh lới ứng phó với mọi tình huống bất ngờ!
Chuyện ông Chung đến Đồng Tâm ngày 22/4/2017 đâu phải là chuyện bất chợt. Trước đó mấy ngày, ông Chung đã thất bại trong việc “dụ” người dân Đồng Tâm đến gặp ông ở một nơi khác, không phải là cơ quan xã Đồng Tâm, để “đối thoại” với ông. Dân Đồng Tâm không mắc bẫy ông. Họ buộc ông phải vào Đồng Tâm nói chuyện phải trái với nhau. Người dân Đồng Tâm sẵn sang tháo giở mọi chướng ngại vật họ đã dựng, mở đường cho ông Chung cùng đoàn tùy tùng của ông an tâm vào làng Hoành. Cùng đi với Chung còn có 3 đại biểu Quốc Hội CSVN (Đỗ Văn Đương, Lưu Bình Nhưỡng và Dương Trung Quốc) và tướng Công an Hà Nội với một dàn tham mưu hùng hậu!
Ông Chung tự tay viết và ký bản cam kết, có chữ ký của ba đại biểu Quốc hội nêu trên cùng một luật sư với tư cách “người chứng kiến” việc biên thảo và ký cam kết! Mấy chữ ký ấy đã đủ chứng minh giá trị của Bản Cam Kết! Làm sao có thể giải thích đó là “giải pháp tình thế”? Lời nói có thể bay đi, nhưng chữ viết thì tồn tại (Verba Volant, scripta manent)! Lại là chữ viết cùng chữ ký của một ông tướng công an lãnh đạo Thủ đô cả về mặt Đảng lẫn mặt Nhà nước xhcn! Chưa kể chữ ký của 3 đại biểu Quốc Hội Đỗ Văn Đương, Lưu Bình Nhưỡng và Dương Trung Quốc! Giá trị thực thể bản cam kết do ông Chung viết và ký càng được củng cố.
Nhưng quái gở thay! Theo BBC ngày 14/6/2017 (Đồng Tâm nóng lên sau tuyên bố của Chủ tịch Chung), ông Lê Đình Kình, người chủ chốt trong vụ Đồng Tâm, tiết lộ: "Ông Chung nói rằng bản cam kết mà ông ấy ký hôm 22/4 về việc không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm là ông ấy ký chứ không có con dấu." Ông Kình nêu tiếp: "Ông ấy [ông Chung] nói là quyền khởi tố là của cơ quan pháp luật chứ không phải của ông ấy.” Ông Lê Đình Kình của Đồng Tâm phản bác lập luận của ông Chung: “Ông Chung quên rằng, bản cam kết tuy không có con dấu nhưng ông ấy có lăn tay vào đó, và việc điểm chỉ còn đảm bảo hơn vì không ai có vân tay trùng nhau trong khi con dấu nào thì cũng có khả năng bị làm giả được."
Truy cứu trách nhiệm hình sự?
Rõ ràng ông Chung chối bỏ trách nhiệm của ông với người dân Đồng Tâm. Vậy, nếu phải truy cứu trách nhiệm hình sự trong vụ Đồng Tâm về 2 tội danh "Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật" (theo điều 123 Bộ luật Hình sự -BLHS) và "Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản" (theo điều 143 BLHS), thì trước khi xử người dân Đồng Tâm, cơ quan pháp luật phải điều tra và làm sáng tỏ cái bản cam kết cùng với các chữ ký trên bản cam kết ấy trước đã, nổi cộm là chữ ký của Nguyễn Đức Chung. Viết cam kết, ký cam kết rồi chối phăng điều mình cam kết, đó là một hành vi lừa đảo, lừa đảo có văn tự; còn nặng tội hơn nhiều so với tội của những kẻ dùng văn tự để buôn gian bán lận.
Hai tội danh nêu ở điều 123 và điều 143 Bộ luật Hình sự đều là dạng trọng tội! Mà nhưng người bị “bắt, giữ hoặc giam” lại là cán bộ và Cảnh sát CSVN đang làm nhiệm vụ “an ninh”, tới 38 người! Mức độ tội phạm vì vậy mang tính gia trọng. Nguyễn Đức Chung đã hạ bút “không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân Đồng Tâm”, bây giờ lại bảo “quyền khởi tố là của cơ quan pháp luật chứ không phải của ông”. Nghe có được không? Như vậy, ông Chung đã chẳng lạm quyền, lộng quyền đối với cơ quan đảng-nhà nước CSVN của ông ấy sao?
Nguyên tắc tập quyền.
Việt Nam đang là nước đi theo đường lối xã hội của chủ thuyết Mác-Lê, tức chủ thuyết cộng sản. Điều 4 Hiến Pháp Việt Nam Cộng sản năm 2013 đặt chế độ cai trị tại Việt Nam dưới quyền cai trị duy của một đảng duy nhất, Đảng Cộng sản! Tất cả việc nước, việc dân và phép nước (luật lệ) đều là do Đảng. Chế độc độc đảng tại Việt Nam không chấp nhận tam quyền phân lập! Các cơ quan hành pháp, lập pháp đều gom lại, đặt dưới một hệ thống hành chánh do Đảng lãnh đạo và kiểm soát.
Như vậy về mặt chính quyền, Nguyễn Đức Chung là Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, nhưng chính trong vai trò PHÓ BÍ THƯ thành Ủy Hà Nội, ông Chung mới có thẩm quyền điều động các bộ phận trong guồng máy lãnh đạo thành phố Hà Nội. Từ đó, thẩm quyền của ông về mặt pháp luật là đứng trên cả các quan chức Tòa án lẫn Viện trưởng Viện Kiểm sát và Giám đốc Công An Thành phố, như Ls Tô Năng Như lý giải: “Ở nước ta tổ chức bộ máy nhà nước theo nguyên tắc tập quyền, mọi quyền lực đều do Đảng lãnh đạo. Chúng ta cần nhớ Chủ tịch thành phố bao giờ cũng là phó bí thư thành uỷ. Trong khi Viện trưởng Viện Kiểm sát và Giám đốc Công An Thành phố chỉ là Uỷ viên ban Thường vụ Thành uỷ, tức chức nhỏ hơn phó bí thư. Trong khi đó Thành ủy Hà Nội đã họp và giao ông Chung toàn quyền xử lý.”
Nguyên tắc tập quyền nêu trên đây chứng minh việc Nguyễn Đức Chung viết và ký giấy cam kết là việc làm phù hợp với nguyên tắc cai trị của nhà nước xã hội chủ nghĩa. Ông Chung có quyền đứng trên pháp luật và ông Chung đã sử dụng quyền ấy công khai mà không cấp trên nào của ông lên tiếng hạch sách hay tỏ ý bất bình. Nay tại sao bỗng dưng ông Chung cho bộ phận Công an của hà Nội tung ra cái quyết định truy cứu hình sự trên kia, và rồi chính ông chối phăng trách nhiệm của mình đối với bản cam kết?
Để hiểu rõ điều này, có lẽ chúng ta hãy cùng trở lại vấn đề mà Ls Tô Năng Như đã nêu ra. Trong bài viết của ông về Tính pháp lý bản cam kết của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung với xã Đồng Tâm trên Việt Báo (báo lề đảng) ngày 24/4/2017: “Ở nước ta tổ chức bộ máy nhà nước theo nguyên tắc tập quyền, mọi quyền lực đều do Đảng lãnh đạo. Chúng ta cần nhớ Chủ tịch thành phố bao giờ cũng là phó bí thư thành uỷ. Trong khi Viện trưởng Viện Kiểm sát và Giám đốc Công an Thành phố chỉ là Uỷ viên ban Thường vụ Thành uỷ, tức chức nhỏ hơn phó bí thư. Trong khi đó Thành ủy Hà Nội đã họp và giao ông Chung toàn quyền xử lý.”
Ls Tô Năng Như xác quyết: “Về mặt đảng ông Nguyễn Đức Chung có toàn quyền chỉ đạo công an, viện kiểm sát không điều tra truy tố các hành vi xảy ra tại Đồng Tâm.” Ls Như kết luận với lời tâng bốc chế độ một cách trơ trẽn: “Sự linh hoạt ở thể chế chính trị của chúng ta chính là như vậy.”
Trong khi ca ngợi “sự linh hoạt ở thể chế chính trị” CS, Ls Tô Năng Như lại hỏi: “Vậy còn rủi ro pháp lý nào với bà con nhân dân xã Đồng Tâm hay không?” Ông Như tự trả lời: “Trên thực tế thì không, nhưng về lý thuyết thì vẫn còn có khả năng rủi ro đó là nếu có ai đó có thẩm quyền lớn hơn ông Chung chẻ chữ… hoặc nhiều lý do khác như: tội phạm đã hoàn thành, xử lý để làm gương tránh tạo tiền lệ... Khi đó pháp luật lại được dẫn giải theo cách khác.”
Rủi ro pháp lý! Rủi ro nào? Ai chẻ chữ…?
Luật sư Tô Năng Như nêu lên nghi vấn của ông từ ngày 24/4/2017, nghĩa là cách đây gần hai tháng. Bây giờ, với “quyết định khởi tố vụ án hình sự” do Công An Hà Nội vừa công bố ngày 13/6/2017, rõ ràng dấu hiệu “pháp luật lại được dẫn giải theo cách khác” đã lóe lên! Không rõ “có ai đó có thẩm quyền lớn hơn ông Chung chẻ chữ… hoặc nhiều lý do khác như: tội phạm đã hoàn thành, xử lý để làm gương tránh tạo tiền lệ…” không? Người dân đang nghi ngờ chính ông Nguyễn Đức Chung cùng các “đồng chí” của ông hùa nhau “chẻ chữ”, lật lọng!
Xin nhắc lại, chính trong bài viết ngày 24/4/2017 nêu trên, chúng tôi đã đề nghị “nhân dân Đồng Tâm cũng như nhân dân cả nước hãy luôn hết sức cảnh giác về sự lật lọng của nhà cầm quyền CSVN trong mọi trường hợp!” Và một trong những cách thức cảnh giác mà chúng tôi đã gợi ý là mong “nhân dân Đồng Tâm nên tạo một không gian riêng biệt trong Nhà Văn Hóa xã, làm nhà lưu niệm trưng bày tất cả những hình ảnh của biến cố đã qua" ở Đồng Tâm trong đó có Bản Cam Kết của Chủ tịch UBND Thành Phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Quả vậy, cái rủi ro mà ông Tô Năng Như suy ra trên đây là một rủi ro có thật trong bất cứ nhà nước cộng sản nào, càng thật hơn trong cơ chế nhà nước CHXHCNVN. Người ta giành giật nhau, cấu xé nhau, ăn thua nhau quyết liệt đến bắn giết nhau, như vụ quan kiểm lâm Yên Bái “phơ” chết Bí thư Tỉnh và Ủy viên Tổ chức Đảng dạo nào, bằng chứng về cái gọi là Nhà nước xhcn, mà thực chất chỉ là thứ nhà nước vô pháp luật! Vì vô pháp luật, người ta tùy tiện giải thích luật theo cung cách cộng sản hồ đồ, quy cho ai tội gì thì người bị qui chụp ấy trở thành tội phạm ngay. Người ta có đủ thứ lý do để kết tội bằng việc “nâng quan điểm”, biến một điều không tội trở thành có tội, hoặc biến tội nhẹ thành tội nặng. Bên cạnh đó, kẻ có chức có quyền cũng thừa lý lẽ để tự cho mình có cái đặc quyền giảm nhẹ hay xóa án cho những tên tội phạm được gọi là có “nhân thân tốt”, có quá trình đóng góp cho cách mạng, cho đảng và nhà nước xhcn! “Pháp luật lại được dẫn giải theo cách khác” mà Ls Tô Năng Như đã cảnh báo là vậy! Pháp chế xã hội chủ nghĩa không có công lý! Công lý xã hội chủ nghĩa là công lý đảng trị, nhân danh lợi ích một đảng duy nhất!
Đau lắm cho dân Đồng Tâm và càng đau đớn hơn cho cuộc sống của người dân trong một đất nước, một xã hội mà “mọi quyền lực đều thuộc về Đảng”! Thế nên đằng sau cái bắt tay và nụ cười Nguyễn Đức Chung vẫn là những dao găm và mã tấu như chúng tôi đã cảnh báo trong bài viết về luận điệu bịp bợm hòa hợp hòa giải của Cộng sản.
18/6/2017
0 nhận xét:
Đăng nhận xét