21/6/17

Thái độ của chúng ta

Trần Thảo (Danlambao) - Trong hai ngày 18-19 tháng 6 năm 2017, thượng tướng Phạm Trường Long, Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung cộng đã cầm đầu một phái đoàn đến thăm Việt Nam. Tướng Long được Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đón tiếp và hội đàm. 

Dĩ nhiên nội dung kín của cuộc hội đàm hai bên Việt-Trung sẽ không bao giờ được công khai. Trên báo chí cũng như phương tiện truyền hình, truyền thanh chỉ được đăng và phát tán những nội dung tuyên truyền.

Đại khái cũng xoay quanh mấy lời sáo mòn như: Chuyến thăm nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, để hai quân đội phát triển ổn định, bền vững v.v...

Chỉ riêng lời phát biểu của tướng Phạm Trường Long thì có một chút hé mở mà người quan sát có để ý mới thấy được. Tướng PTL nói: "Chuyến thăm nhằm thực hiện nhận thức chung quan trọng giữa lãnh đạo cấp cao hai đảng hai nước. Tăng cường hoạt động giao lưu giữa Bộ Quốc Phòng hai nước, qua đó tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy quan hệ hai nước."

Giới chức cấp cao hai bên Việt-Trung đi lại hà rầm như con thoi. Mới ngày 11 tháng 5 năm 2017 vừa qua, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đã đi thăm Trung cộng. Sau khi được đón chào bằng 21 phát đại bác, ông Trần Đại Quang đã phấn khởi cam kết sẵn sàng củng cố mối quan hệ hữu nghị anh em và đồng chí Việt-Trung để bảo đảm mối quan hệ song phương lâu bền, ổn định và lành mạnh. 

Có lẽ nòi cộng sản thì rành sáu câu về gian dối, xạo ke, bên ngoài thì ôm hôn thắm thiết nhưng bên trong thì chỉ lo tính toán lợi hại thiệt hơn, chả đứa nào tin tưởng đứa nào. Vì thế mà mới được Trần Đại Quang cam kết sẵn sàng củng cố quan hệ hữu nghị hai nước Việt-Trung một tháng trước đây, mà hôm nay Phạm Trường Long đã xách đít qua "Thực hiện nhận thức chung quan trọng." 

Chúng ta hãy thử xâu chuỗi những sự kiện xảy ra gần đây trên thế giới có liên quan đến Trung cộng và Việt Nam để xem thử mục đích thực sự của Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung cộng Phạm Trường Long trong chuyến thăm Việt Nam là gì?

Tại cuộc họp Đối Thoại Shangri-La, Singapore vào ngày 3 tháng 6 năm 2017, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis đã lên tiếng cáo buộc Trung cộng coi thường lợi ích của các quốc gia khác và không tuân thủ luật pháp quốc tế. Ông James Mattis nói rằng không thể nào chấp nhận được việc Bắc Kinh quân sự hóa các đảo nhân tạo vì điều đó làm suy yếu sự ổn định của khu vực. 

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis nói: "Việc tìm kiếm sự hợp tác của Trung Quốc về vấn đề Bắc Triều Tiên không có nghĩa là Washington sẽ không thách thức các hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông. Hoa Kỳ sẽ hiện diện và hoạt động bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép, và thể hiện quyết tâm này thông qua hoạt động hiện diện ở Biển Đông và xa hơn nữa."

Một tuần trước đó, vào ngày 26 tháng 5 năm 2017, tại Taormina, Ý Đại Lợi, trong cuộc họp của nhóm G7, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã thúc đẩy nhóm G7 lên tiếng cảnh báo về tình trạng quân sự hóa Biển Đông, nơi Bắc Kinh đang xây các đảo nhỏ dành cho phi cơ chiến đấu và hệ thống radar. 

Và cuối cùng là chuyến đi Hoa Kỳ của Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc!

Trước khi NXP tới Hoa Kỳ, CSVN đã lobby trên phương diện ngoại giao rất nhiều, và mật độ vận động có vẻ rất bất thường, như phía VN đã 7 lần đưa ra lời mời TT Donald Trump sang thăm Việt Nam sau khi vừa mới đắc cử. Sau đó là những vận động của Thứ Trưởng Ngoại Giao Hà Kim Ngọc, rồi tới Bộ Trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh, tất cả đều lót đường cho chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Bề ngoài thì giới chức hai bên tuyên bố rằng ông Phúc qua Mỹ để chốt lại việc Tổng thống Donald Trump có đi dự hội nghị APEC tại Đà Nẵng, Việt Nam vào tháng 11 này hay không, nhưng lời giải thích đó không thuyết phục được ai. 

Người quan sát chuyến đi Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm thấy cuộc nói chuyện trong 30 phút giữa Tổng thống Hoa Kỳ và Thủ Tướng CSVN hoàn toàn là vu vơ bá láp, những ngôn ngữ ngoại giao chỉ đáng để cho mấy tên lều báo CSVN làm căn cứ bốc thơm. Một chuyến đi được chuẩn bị, kèn trống rềnh rang như thế mà kết quả lại xìu xìu ểnh ểnh như thế sao? Không thể nào! Dĩ nhiên là có những ký kết quan trọng giữa hai bên nhưng chưa tiện tiết lộ vì chưa chuẩn bị dư luận kỹ càng. 

Ký kết quan trọng đó là cái gì?

Trong bài viết với tiêu đề Hà Nội Thuận Cho Thuê Cam Ranh của tác giả Bùi Anh Trinh, tác giả đã liên kết được tất cả những sự kiện và những nguồn tin của VOA và Reuters một cách rất hệ thống để đi đến kết luận rằng vừa khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống, hai bên Việt Nam và Hoa Kỳ đã có những thỏa thuận ngầm, và Nguyễn Xuân Phúc đi Mỹ chỉ để cùng ông Trump ký kết thỏa thuận cuối cùng của hai bên.

Trong lúc Donald J Trump và Nguyễn Xuân Phúc ký kết bí mật ở Washington DC thì Thượng nghị sĩ John McCain, chủ tịch quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ, có mặt ở Việt Nam để thảo luận với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Trong thông báo kết thúc chuyến đi của đoàn Thượng nghị sĩ John McCain có viết hai bên đã thỏa thuận hợp tác hổ trợ an ninh cho khu vực.

Việt Nam có thể hỗ trợ gì cho phía Hoa Kỳ trong cái gọi là hợp tác hỗ trợ an ninh khu vực nếu không là cung cấp một vị trí chiến lược quan trọng nào đó cho việc điều động quân sự của Hoa Kỳ? Cũng giống như người không có tiền mặt (capital) để hợp tác làm ăn thì có thể cung cấp mặt bằng. Trong chuyến đi này, TNS John McCain đã ra Cam Ranh và lên thăm chiến hạm John S. McCain đang neo tại cảng Cam Ranh. 

Nhịp nhàng như thế mà bảo rằng không có gì đặc biệt giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong chuyến thăm Mỹ của Nguyễn Xuân Phúc thì chả ai có thể tin được!

Như nói ở phần mở đầu, đầu tháng 5 Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua Bắc Kinh và cam kết củng cố quan hệ đối tác chiến lược hai bên Việt-Trung, nhưng hôm nay 18-19 tháng 6 năm 2017 Thượng tướng Phạm Trường Long, Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung cộng đã vội vã chạy sang VN để thực hiện nhận thức chung quan trọng giữa lãnh đạo cấp cao hai đảng hai nước!

Phải chăng lời tuyên bố cứng rắn của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis tại cuộc họp Shangri-La, Singapore, và thái độ của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe thúc đẩy các lãnh tụ trong nhóm G7 tại cuộc họp ở Taormina, Italy cảnh báo về âm mưu quân sự hóa biển đông của Trung cộng, và đặc biệt là phong thanh về việc Việt Nam muốn cho Hoa Kỳ thuê mướn vị trí chiến lược quan trọng bậc nhất tại Đông Nam Á là hải cảng Cam Ranh đã khiến cho Trung cộng thấy bức bối, lo lắng và phái Phạm Trường Long qua VN để quan sát và tìm cách đối phó?

Cho tới nay, việc Hoa Kỳ có sẽ thủ đắc được vị trí chiến lược quan trọng bậc nhất Đông Nam Á là hải cảng Cam Ranh hay không vẫn chưa được công khai, mặc dù khi xâu chuỗi những sự kiện xảy ra trước và sau chuyến đi Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ta thấy quả thật Việt Nam có biểu hiện đi về phương hướng này. 

CSVN vẫn hay tuyên bố lập trường "Không liên kết với bất cứ nước nào để chống lại một nước thứ ba (hàm ý Trung Cộng)". Nhưng khi bị Trung Cộng ép sát, không còn đường xoay sở, thì Hà Nội dĩ nhiên phải tìm đường ra, và thay đổi lập trường trong đấu tranh chính trị là việc rất bình thường.

Điều tôi muốn đặt ra ở đây là thái độ của chúng ta, những người không chấp nhận chế độ cai trị tàn bạo, vô nhân của CSVN. Chúng ta sẽ suy nghĩ thế nào, có thái độ ra sao nếu CSVN thay đổi lập trường, đứng thành hàng với Hoa Kỳ, đồng ý cho Hoa Kỳ thuê mướn hải cảng Cam Ranh?

Cá nhân tôi nghĩ rằng, nếu CSVN đồng ý cho Hoa Kỳ thuê mướn Cam Ranh thì đó là một quyết định khôn ngoan kịp thời, tránh cho đất nước và dân tộc Việt Nam khỏi tai họa mất nước vào tay Trung cộng. Nhưng chế độ CSVN làm việc đó không phải là vì đất nước và dân tộc, mà chỉ là một biến chiêu để duy trì sinh mệnh của đảng, bởi vì nếu mất nước vào tay Trung cộng thì đảng CSVN cũng sẽ tiêu tùng. Vì thế, cuộc đấu tranh chung của dân tộc Việt chống lại một chế độ tàn bạo, bất chấp công lý, bất chấp những quyền căn bản của con người sẽ vẫn tiếp tục cho đến khi dân tộc Việt Nam có cơ hội ngẩng cao đầu nhìn quê hương Việt Nam rạng rỡ ánh bình minh của một thời đại mới, thời đại của tự do, công lý, hòa bình, hạnh phúc thực sự.

Còn bạn nghĩ thế nào? Mong rằng đươc đón nhận những quan điểm khác nhau một cách nghiêm túc và tích cực.

21.06.2017

-->

0 nhận xét:

Đăng nhận xét