3/8/16

Gieo rắc cái chết cho dân chúng có phải cũng là làm cách mạng?

Bauxite Việt Nam - Xin ông đảng trưởng hãy lục hết trí nhớ về mọi thứ kinh điển Mác-Lê mà mình đã chứa chất trong đầu ra để trả lời dân chúng chúng tôi: Cộng sản từ lâu ai cũng biết là đồng nghĩa với bạo lực và chuyên chính; trong trường hợp cụ thể ở đây, có phải rằng việc dối gạt dân chúng để họ ăn cá biển nhiễm độc và tắm nước biển nhiễm độc mà không sợ chết, và ngay cả việc mở hết mọi kho cá nhiễm độc ra bán cho dân và khuyến khích dân ăn cá nhiễm độc ấy, dù có chết hoặc nguy hại đến đời con đời cháu, đó cũng chính là phương pháp vận dụng “bạo lực và chuyên chính” một cách uyển chuyển và đầy sáng tạo trong công tác cách mạng, vì thế mà không một cấp quyền lực nào kể cả người ngồi cao chót vót như ông, thấy đó là tội ác?...

*

Cuối tháng 4-2016, trong khi chính quyền Hà Tĩnh, hẳn là theo lệnh cấp trên, cho ông Phó chủ tịch Đặng Ngọc Sơn ra lời tuyên bố cá và biển Hà Tĩnh an toàn, dân thả sức ăn cá và tắm biển, thì đồng thời, Sở Y tế Hà Tĩnh cũng được lệnh trên cho âm thầm xét nghiệm toàn bộ 4 kho cá biển đông lạnh ở Hà Tĩnh để xem có độc hại hay không. Đó là một việc làm đáng khen mà báo Người đưa tin gọi bằng “vào cuộc quyết liệt”. Đúng, khen là phải, vì đây là một việc làm cần thiết và kịp thời, vì sự an toàn của tính mạng dân chúng. Mà không chỉ Sở Y tế Hà Tĩnh mà thôi, cả Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Hà Tĩnh và Chi cục Quản lý nông lâm thủy sản Hà Tĩnh đều được lệnh lấy mẫu cá để kiểm tra.

Nhưng kiểm tra xong rồi thì thế nào? Báo Người đưa tin tiếp tục cho biết: “sau khi lấy mẫu, các đơn vị này đã không hề tiến hành niêm phong toàn bộ số hải sản trong kho, để các kho này tiếp tục phân phối hải sản đến người tiêu dùng. Và đến nay... cả 4 kho hầu hết đều đã tiêu thụ gần hết nhẵn số lượng cá dự trữ, có kho chỉ còn đâu khoảng 1/10.

Nhưng rồi thế nào nữa? “Mãi tận đến đầu tháng 7/2016, Chi cục VSATTP mới "tiết lộ" kết quả cho sở chủ quản: Hầu hết số hải sản trong 4 kho này đều bị nhiễm độc”. Đó là độc chất cadimi, một kim loại nặng. Quá nguy hiểm! Và cũng phải đến ngày 11-7 thì Sở Y tế Hà Tĩnh “được sự tham mưu” của Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Hà Tĩnh mới có công văn cho tiêu hủy toàn bộ số cá dự trữ trong cả 4 kho đông lạnh ở Hà Tĩnh. Nghĩa là tiêu hủy số cá đã nằm trong bụng dân chúng Hà Tĩnh từ 3 tháng trước.

Thử hỏi, còn gì để nói nữa hay không?

Ấy thế mà khi báo Người đưa tin đặt câu hỏi với ông Chi cục trưởng Vệ sinh an toàn thực phẩm Phan Văn Hùng thì ông còn “tìm mọi lý do để né tránh”. “Cho đến khi chúng tôi yêu cầu lãnh đạo Sở Y tế can thiệp, ông Hùng mới chịu làm việc. Khi chúng tôi thắc mắc về sự thiếu hợp tác, ông Hùng cảnh cáo phóng viên: “Tôi cần xin ý kiến người còn to hơn cả Giám đốc Sở. Sức khỏe của người dân là quan trọng. Nhưng cũng không nên gây dư luận xấu ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của tỉnh nhà... (!?)”.

Quan tâm đến sự phát triển kinh tế của tỉnh nhà là một việc tốt quá đi chứ. Nhưng chúng tôi lại không thể nghĩ như ông Hùng được, bởi khi dân chúng Hà Tĩnh đã bị nhiễm độc, kể cả thế hệ con cái của họ, thế hệ mới lớn cũng như thế hệ đang nằm trong bụng mẹ, thì ông còn muốn phát triển kinh tế cho ai và vì ai?

Trớ trêu hơn nữa là cũng sau những sự việc trên, ông Nguyễn Lương Tâm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Tĩnh lại lên tiếng trên Facebook một cách rất đàng hoàng, “động viên” người dân Hà Tĩnh cứ tiếp tục ăn cá nhiễm độc, lấy cớ lượng cá ăn vào mỗi tuần phải 2 kg80 thì mới có cơ nguy đến sức khỏe con người (mà người Hà Tĩnh vốn tiết kiệm xưa nay chắc là không ăn được đến chừng ấy?!). Báo Người đưa tin có hỏi lại cho chắc chắn thì ông Tâm lặp lại đúng y nguyên mấy lời đã viết trên Facebook. Trong khi đó, cũng câu hỏi tương tự Người đưa tin đem hỏi PGS.TS Phạm Đức Thịnh, Viện Giám định Pháp y tâm thần (Bộ Y tế), thì được trả lời: “Cadimi cũng giống như các loại kim loại: Chì, thủy ngân... nên cũng có thể gây bệnh tương tự như độc tố của các kim loại nặng đó. Độc tố của cadimi làm tăng huyết áp, ung thư phổi, thủng vách ngăn mũi, rối loạn chức năng thận và có thể phá hủy tủy xương, ảnh hưởng nội tiết, máu, tim mạch”.

Qua cách trả lời của hai ông Hùng và Tâm với báo Người đưa tin, hoàn toàn đồng điệu với lời tuyên bố xanh rờn của ông Đặng Ngọc Sơn hồi tháng 4-2016, chúng tôi bỗng thấy choáng váng vì vô số những nỗi nghi ngờ dằn vặt cùng lúc xâu xé trong đầu óc mình.

Phải chăng đội ngũ quan chức Hà Tĩnh kể từ sau ngày được ông Võ Kim Cự “gửi công văn hỏa tốc” mời ra sân vận động Hà Tĩnh phát động “dành toàn tâm toàn ý vào việc uống bia Sài Gòn” thì đều đã trở nên say sưa bí tỉ - say đến mức trở nên điên rồ - mà không còn cần biết mình ngồi trên chiếc ghế quan chức là để làm gì nữa?

Hay phải chăng “phẩm chất cộng sản” ở những vị quan đầu ngành một tỉnh nổi tiếng cách mạng như Hà Tĩnh đã phát lộ đến mức bồng bột ra cả lời nói và việc làm, nên những hành động rất cần truy cứu trách nhiệm khẩn cấp như những việc trên đây đều được các cấp cao hơn ưu ái để yên mà không cấp nào xét tới?

Chúng tôi thật tình không sao giải đáp nổi cho mình. Đành xin đem mọi thắc mắc băn khoăn đệ trình lên ông đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng, kẻ đã có mặt rất sớm ở Hà Tĩnh ngay sau tin cá chết, nhưng ông ta vào Hà Tĩnh và đến tận Vũng Áng mà tuyệt không có thì giờ để nói một lời an ủi đối với dân, chỉ kịp động viên công ty Fomosa hãy hoàn thành tốt tiến độ xây dựng của họ rồi vội vã cắp cặp ra về.

Xin ông đảng trưởng hãy lục hết trí nhớ về mọi thứ kinh điển Mác-Lê mà mình đã chứa chất trong đầu ra để trả lời dân chúng chúng tôi: Cộng sản từ lâu ai cũng biết là đồng nghĩa với bạo lực và chuyên chính; trong trường hợp cụ thể ở đây, có phải rằng việc dối gạt dân chúng để họ ăn cá biển nhiễm độc và tắm nước biển nhiễm độc mà không sợ chết, và ngay cả việc mở hết mọi kho cá nhiễm độc ra bán cho dân và khuyến khích dân ăn cá nhiễm độc ấy, dù có chết hoặc nguy hại đến đời con đời cháu, đó cũng chính là phương pháp vận dụng “bạo lực và chuyên chính” một cách uyển chuyển và đầy sáng tạo trong công tác cách mạng, vì thế mà không một cấp quyền lực nào kể cả người ngồi cao chót vót như ông, thấy đó là tội ác?



*

1. Hà Tĩnh: Hàng chục tấn hải sản nhiễm độc đang ở đâu?

Người Đưa Tin - Sau sự cố cá chết hàng loạt vừa qua, cùng sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ban, ngành, UBND tỉnh Hà Tĩnh giao Sở Y tế lấy mẫu xét nghiệm các kho đông lạnh trên địa bàn, để xác định mức độ ảnh hưởng.

Sau sự cố cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung, các bộ, ban ngành đã vào cuộc tập trung xử lý rất quyết liệt. Cuối tháng 4/2016, UBND tỉnh Hà Tĩnh giao Sở Y tế, cử đơn vị chuyên môn lấy mẫu xét nghiệm tất cả các kho đông lạnh trên địa bàn, để xác định mức độ ảnh hưởng.

Theo đó, có 4 kho đông lạnh gồm: Công ty CP XNK Thủy sản Nam Hà Tĩnh (TX. Kỳ Anh); HTX Thiên Phú; HTX Hùng Mạnh (Thạch Kim, Lộc Hà) và Kho đông lạnh Sang Liên - Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) đã được Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) và Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm Thủy sản lấy mẫu để kiểm tra.

Đáng nói, sau khi lấy mẫu, các đơn vị này đã không hề tiến hành niêm phong toàn bộ số hải sản trong kho, để các kho này tiếp tục phân phối hải sản đến người tiêu dùng.

Lẽ ra, chỉ 1-2 ngày lấy mẫu, đã có kết quả xét nghiệm, nhưng mãi tận đến đầu tháng 7/2016, Chi cục VSATTP mới "tiết lộ" kết quả cho sở chủ quản: Hầu hết số hải sản trong 4 kho này đều bị nhiễm độc”.

Ngày 11/7, trên cơ sở tham mưu của Chi cục VSATTP, Sở Y tế Hà Tĩnh có Công văn số 1395/SYT đề nghị UBND tỉnh cho tiêu hủy toàn bộ số hải sản đông lạnh này, vì có hàm lượng cadimi vượt quá giới hạn cho phép.


Kết quả kiểm tra tại 4 kho đông lạnh nói trên 
cho thấy hầu hết số hải sản đều bị nhiễm độc.

Cùng thời điểm này, nhóm phóng viên chúng tôi đã tiến hành điều tra độc lập tại 4 kho đông lạnh này thì được biết: Hầu hết số hải sản bị nhiễm độc ấy đã được tiêu thụ, bán ra thị trường. Số tồn lại trong kho không còn đáng kể.

Cụ thể: Tại Kho Đông lạnh Sang Liên (Cẩm Nhượng - Cẩm Xuyên) số lượng số hải sản bị nhiễm độc tại thời điểm kiểm tra là 10 tấn, nay chỉ còn lại hơn 0,1 tấn; Kho đông lạnh HTX Thiên Phú (Thạch Kim - Lộc Hà) số cá Xước Tre bị nhiễm là 7 tấn, nhưng thời điểm hiện tại cũng chỉ còn 1,1 tấn…

Bà Nguyễn Thị Liên, chủ Kho đông lạnh Sang Liên xác nhận: “Tại thời điểm đoàn về kiểm tra lần 1 thì nói cá trong kho của tôi không nhiễm độc, cũng không bị niêm phong gì cả. Sau một thời gian dài, thấy họ kết luận, kho chúng tôi có 10 tấn hải sản bị nhiễm. Lúc này, số cá trên chúng tôi đã bán gần hết rồi”.

Trong khi chờ kết quả kiểm tra thì số lượng hải sản nhiễm độc 
tại các kho đông lạnh trên địa bàn Hà Tĩnh 
đã được đưa ra thị trường tiêu thụ gần hết.

Bên trong kho đông lạnh Hùng Mạnh.

Xin nhắc lại rằng, Chi cục VSATTP Hà Tĩnh đã tiến hành lấy mẫu kiểm tra từ tháng 5 (ngay sau khi có hiện tượng cá chết bất thường). Nhưng đến ngày 11/7, đơn vị này mới tham mưu văn bản cho Sở Y tế ký, đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh cho tiêu hủy khẩn cấp số hải sản bị nhiễm độc.

Ngày 29/7, chúng tôi trở lại làm việc với Chi cục VSATTP Hà Tĩnh, đặt câu hỏi về sự chậm trễ này, nhưng ông Phan Văn Hùng, Chi cục trưởng đã tìm mọi lý do để né tránh. Cho đến khi chúng tôi yêu cầu lãnh đạo Sở Y tế can thiệp, ông Hùng mới chịu làm việc. Khi chúng tôi thắc mắc về sự thiếu hợp tác, ông Hùng cảnh cáo phóng viên: "Tôi cần xin ý kiến người còn to hơn cả Giám đốc Sở. Sức khỏe của người dân là quan trọng. Nhưng cũng không nên gây dư luận xấu ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của tỉnh nhà..."(!?).

Khi PV liên hệ làm việc, ông Hùng tìm cách né tránh và liên tục gọi điện cho ai đó.

Lý giải về sự cố, ông Hùng giải thích: “Lý do chậm trễ là vì chúng tôi phải tiến hành lấy mẫu 2 lần, mỗi lần cũng phải cách nhau 10 ngày rồi. Sau khi khi có kết quả chính xác các kho đông lạnh kể trên có hải sản bị nhiễm độc thì mới cho niêm phong được. Giờ thì cũng đã tham mưu cho Sở Y tế, để có văn bản gửi lên UBND tỉnh Hà Tĩnh đề xuất phương án tiêu hủy”.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Xuân Dâng, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh cho hay: “Việc kiểm nghiệm các loại hải sản bị nhiễm độc sau vụ cá chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung, do thanh tra liên ngành thực hiện. Riêng việc kiểm tra ở các kho đông lạnh, chúng tôi giao cho Chi cục VSATTP làm việc và có ý kiến đề xuất. Sau khi có kết quả đề xuất, chúng tôi đã gửi công văn cho UBND tỉnh để xin phương án xử lý, nhưng hiện tại vẫn chưa được phúc đáp...”.



Giám đốc Y tế dự phòng Hà Tĩnh khuyên dân ăn hải sản nhiễm cadimi

Trước thông tin hàng chục tấn cá nhiễm độc đã được đưa ra thị trường tiêu thụ, GĐ Trung tâm Y tế dự phòng Hà Tĩnh đã lên tiếng trên facebook "động viên" người dân có thể tiếp tục ăn cá… nhiễm độc (?!)

Facebook Tân Đại Minh - ông Nguyễn Lương Tâm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hà Tĩnh xác nhận là của mình - có status “Thực phẩm biển và giới hạn cadimi”.

Ông Nguyễn Lương Tâm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng 
tỉnh Hà Tĩnh (Người đang đứng)

Tại dòng status này, ông Tâm lập luận: “Căn cứ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 8-2:2011/BYT đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm trong mục 3.3 viết: Lượng ăn vào hàng tuần có thể chấp nhận được tạm thời (tức là lượng một chất ô nhiễm kim loại nặng nhất định) đưa vào cơ thể hàng tuần mà không gây ảnh hưởng có hại đến sức khỏe con người”.


Trên facebook của mình, ông Nguyễn Lương Tâm, 
Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hà Tĩnh 
đã "động viên" người dân có thể tiếp tục ăn cá nhiễm độc.

Thay vì khuyến khích người dân ăn cá nhiễm độc, ông Tâm dựa vào "cơ sở khoa học" và khẳng định: Một người trong vòng một tuần sẽ ăn hết 3kg cá nên nếu với mức độ ăn cá nhiễm độc vừa phải thì sẽ không ảnh hưởng gì (?!).

Vị Giám đốc này viết: “Hàng tuần, nếu một người nặng 60kg ăn cá cơm hoặc cá ngừ có nhiễm cadimi với mức ô nhiễm 0,15mg/kg thì họ phải ăn tới khoảng trên 2,8kg cá ngừ hoặc cá cơm thì mới có thể có nguy cơ ảnh hưởng sức khoẻ. Vì :2,8* 0,15= 0,42 (là ngưỡng như đã nói ở trên). Vậy thì một người dân một tuần có thể ăn được 3 kg cá ngừ hoặc cá cơm không nhỉ? Điều này có thể khó xảy ra... Mọi người nên có cách nhìn nhận đúng đắn hơn về một vấn đề".

Hơi bất ngờ với lời khuyên của vị Giám đốc ngành y này, phóng viên trực tiếp thắc mắc với ông Nguyễn Lương Tâm. Ông Tâm tái khẳng định lại lời khuyên của mình và cho biết thêm: “Với lượng ăn trong một tuần và trong giới hạn như thế, thì sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe”.

Bằng những lập luận của mình, vị Giám đốc ngành y này khẳng định: 
Với lượng ăn trong một tuần và trong giới hạn như thế, 
thì sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe”.

Tuy nhiên, trước đó, khi trao đổi với PV báo Người đưa tin, PGS. TS Phạm Đức Thịnh, Viện Giám định Pháp Y tâm thần (Bộ Y tế) đã cảnh báo: “Cadimi cũng giống như các loại kim loại: Chì, thủy ngân... nên cũng có thể gây bệnh tương tự như độc tố của các kim loại nặng đó. Độc tố của cadimi làm tăng huyết áp, ung thư phổi, thủng vách ngăn mũi, rối loạn chức năng thận và có thể phá hủy tủy xương, ảnh hưởng nội tiết, máu, tim mạch”.

Trước đó, chúng tôi đã đưa tin: Sau khi phát hiện hải sản ở 4 kho đông lạnh bị nhiễm chất độc, Sở Y tế Hà Tĩnh đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh cho tiêu hủy khẩn cấp số hải sản bị nhiễm cadimi còn sót lại trong các kho này. Phần lớn trong số đó do không được niêm phong khi lấy mẫu nên đã bị chủ kho tiêu thụ ra thị trường.



* Ghi chú của Danlambao: Vào thời điểm bài này được đăng, cả 2 bài viết trên Người Đưa Tin đã không thể truy cập được nữa.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét