Thạch Đạt Lang (Danlambao) - Ngày 16.08.2016, nhà cầm quyền CSVN bất ngờ thông báo hủy bỏ quyết định cho phép tổ chức lễ tưởng niệm trận chiến ở Long Tân giữa quân đội Hoàng Gia Úc và quân Cộng Sản, dù 2 bên chính phủ Úc-Việt Nam đã thỏa thuận với nhau qua cuộc thương thuyết bắt đầu từ 18 tháng trước.
Quyết định vào phút cuối cùng của nhà nước CSVN, không cho tổ chức lễ kỷ niệm trận giao tranh giữa quân đội Úc và Việt Cộng cách đây 50 năm tại Long Tân (18.08.1966 - 18.08.2016) đã gây sửng sờ, ngỡ ngàng cho chính phủ Úc, quân đội, những người lính tham dự trận chiến cũng như người dân Úc (kể cả những người Việt Nam hiện cư ngụ tại Úc hiểu biết, nghe nói về trận giao tranh ác liệt giữa 108 binh sĩ thuộc Đại Đội D, Tiểu đoàn 6, Trung Đoàn Đặc Nhiệm Hoàng Gia Úc với sự bao vây và quyết tâm tiêu diệt của một lực lượng đông hơn 20 lần của QĐ CSVN thuộc Trung Đoàn 275 và sư đoàn D455).
Đọc những bài báo, tin tức nói về chuyện này, tôi liên tưởng đến cuốn phim thời sự về lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Dài Nhất (The Longest Day 06.06.1944 – 06.06.2004, còn gọi là D-Day).
The Longest Day thật ra chỉ là tên một cuốn phim - dựa trên bản báo cáo của ký giả, phóng viên chiến trường Cornelius Ryan - quay lại ngày quân đội Đồng Minh (Mỹ, Anh, Canada), lợi dụng mây mù, tầm nhìn giới hạn, sáng sớm ngày 06.06.1944, đồng loạt đổ bộ vào bờ biển Normandy của Pháp đang bị quân Đức chiếm đóng. Dù thương vong nặng nề, phía Đồng Minh đã thành công trong cuộc đổ bộ, dẫn đến sự đầu hàng của Đức Quốc Xã một năm sau đó.
Không so sánh về sự ác liệt, số thương vong, tinh thần chiến đấu của các bên tham chiến giữa hai chiến trường Normandy và Long Tân, bài viết chỉ muốn nói đến cách cư xử giữa chính quyền, người dân ở các nước tự do, dân chủ, văn minh trên thế giới với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam sau khi chiến tranh chấm dứt.
Buổi lễ tưởng niệm ngày 06.06.2004, tổ chức tại lễ đài ở Normandy với một màn ảnh thật lớn sát ngay bờ biển, rất trang trọng. Ngoài sự tham dự của các nguyên thủ quốc gia còn có sự gặp gỡ giữa các quân nhân của các bên tham chiến. Tôi không nhớ nhiều về cuốn phim thời sự này vì coi đã hơn 12 năm, chỉ nhớ điều cảm động nhất, đó là hình ảnh những người lính sống sót sau ngày lịch sử D-Day, giờ đây đã già, người trẻ nhất 76 tuổi, người già hơn trên 80, có người 90, đã ôm nhau khóc nức nở cho một thời đau thương, hận thù tràn ngập khói lửa, chết chóc.
Họ không nói nhiều với nhau, có thể vì khác ngôn ngữ nhưng họ siết chặt tay nhau, ôm lấy nhau, ngồi bên cạnh nhau, nhìn nhau khóc rồi cười. Những nụ cười thân thiện chân tình, những giọt nước mắt đầy cảm xúc chảy dài trên các khuôn mặt nhăn nheo trong buổi lễ đã khiến tôi ngồi lặng người đi khi nhớ đến các chủ trương, chính sách trả thù của người CS đối với quân, dân cán chính VNCH ngay cả sau khi họ đã nằm xuống, mồ không yên mà mả cũng chẳng đẹp, thiết nghĩ không cần phải nhắc lại ở đây.
Cuốn phim tường thuật buổi lễ tưởng niệm nói trên dài không quá 60 phút nhưng đã nói lên thật nhiều điều, chỉ có sự cảm thông, niềm ân hận, hối tiếc, lòng khoan dung, bác ái mới có thể tồn tại mãi mãi.
Trong Đệ Nhị Thế Chiến, quân đội Nhật đối xử với tù binh Mỹ rất tàn tệ, độc ác ở Philippines nhưng người Mỹ không hận thù người Nhật. Hai trái bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki giết hơn 100.000 người Nhật ngay thời điểm bom nổ, đồng thời để lại hậu quả phóng xạ nặng nề, giết thêm 130.000 người những năm sau đó, người Nhật cũng không hận thù người Mỹ bởi đó là chiến tranh.
Kích động, nuôi dưỡng hận thù, gây căm phẫn, ganh ghét nhau giữa dân tộc này với dân tộc khác hay giữa những đồng bào cùng chủng tộc bằng những chủ thuyết ngoại lai, hoang tưởng không thể đem lại hạnh phúc cho bất cứ dân tộc, đất nước nào. Bài học của các nước Mỹ, Nhật, Đức, Anh, Pháp... lãnh đạo đảng CSVN vẫn chưa lãnh hội được bởi sự dốt nát, kém hiểu biết, cũng như lòng tự cao hoang tưởng, không chịu học hỏi đã che mất tầm nhìn của họ.
Hành động hủy bỏ vào giờ chót, không cho phép tổ chức lễ tượng niệm của quân nhân Úc tại Bia Thánh Giá Long Tân trong chiến trận tại rừng cao su 50 năm về trước cho thấy rõ trong lòng người CSVN chỉ có hận thù. Sau khi hai nước Việt-Úc có bang giao với nhau, ngoài mặt chế độ CS Hà Nội hân hoan, vui mừng đón nhận sự giúp đỡ của chính phủ, người dân Úc trong việc tái thiết, xây dựng đất nước, điển hình như chiếc cầu xây ở bắc Mỹ Thuận, Cần Thơ và nhiều công trình khác ở hạ tầng cơ sở, nhưng trong thâm tâm CS Hà Nội vẫn nghi kỵ, thủ thế, đề phòng chính phủ Úc với tâm địa một kẻ tiểu nhân.
Do đó lý do được đưa ra cho việc hủy bỏ từ chính quyền Việt Nam chỉ có hai chữ: Nhạy cảm! Xem chừng không ổn. Lý do này có thể là quyết định riêng của bộ chính trị ĐCSVN hoặc bị ảnh hưởng bởi một thế lực ngoại bang, thì cũng được đi! Lính Úc dầu sao cũng là người quốc, không dính dáng gì đến dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên lý do nào khiến CS Hà Nội tìm cách ngăn trở, gây khó khăn, thậm chí phá hoại những buổi lễ tưởng niệm chính các đồng đội từng chiến đấu, sát cánh bên họ trong cuộc chiến chống quân Trung Cộng xâm lược vào những năm 1979-1988 như buổi lễ tưởng niệm 64 chiến sĩ ở Gạc Ma ngày 14.03.2015? Ngay cả những tấm bia ghi lại những chiến tích ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Giang... cũng bị đục bỏ, bôi xóa không thương tiếc, không có lời giải thích, được thực hiện trong bóng tối đầy mờ ám, bí mật?
Chính sách trả thù, tập trung giam giữ sĩ quan, cán bộ chính quyền miền Nam hơn 20 năm dưới mỹ danh cải tạo, vụ tranh cãi ồn ào về chức vụ Chủ Tịch Hội Đồng Tín Thác của trường đại học Fulbright do bà Tôn Nữ Thị Ninh khởi xướng, việc đập phá Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa của người lính VNCH, cũng như đục bỏ bia tưởng niệm của thuyền nhân người Việt tị nạn ở Galang, Indonesia nói lên cái tâm địa nhỏ nhen, nặng trĩu hận thù, sợ hãi ánh sáng sự thật, nghi kỵ lòng khoan dung của người CSVN.
Lịch sử đã chứng minh, không một dân tộc, đất nước nào sống bằng hận thù trong giòng máu, có thể phát triển, trở nên văn minh, cường thịnh được. Nước Mỹ trở nên tan hoang sau cuộc chiến tranh Nam-Bắc, giải phóng nô lệ (Civil War 1861-1865) nhưng không một người lính nào của bên thua trận miền Nam bị giam giữ, ngược đãi, phân biệt đối xử. Nếu không chắc chắn nước Mỹ đã không thể hùng mạnh nhất thế giới như bây giờ.
19.08.2016
0 nhận xét:
Đăng nhận xét