Bạn đọc Danlambao - Trong trường hợp này nói là “phá đường” có lẽ hơi quá. Chính xác là đập phá lan can, thành cầu. Theo dư luận, thì vụ đập phá “gần đứt” phần chân lan can của 7 chiếc cầu bê tông trên tuyến đường liên xã ở huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ là để xe ô tô của “một vị quan” được thuận tiện đi qua. Vì cầu hẹp, xe to nên phần lan can, thành cầu đã trở thành vật cản khiến quan không đi lại thuận tiện được, thành ra phải phá bỏ.
Việc hy sinh quyền lợi của muôn người để phục vụ lợi ích cho một người, là chuyện bình thường. Vì ông ấy là quan, mà lại là quan cộng sản.
Người dân ở đây nói rằng, chính quyền địa phương đã tự ý mang đồ nghề ra đập mà không thông báo cho dân biết. Khi chính quyền đang thực hiện việc phá hoại này, bị người dân phát hiện và thắc mắc thì được “lãnh đạo địa phương” trả lời: “đập để xe cấp cứu, xe taxi vào được tận nhà dân”. (*)
Nghe thật cảm động!
Ông Trần Ngọc Hùng, Trưởng ấp Bình Thạnh, nói: “Theo chủ trương nới rộng cầu của lãnh đạo xã, tôi đã huy động lực lượng đập bỏ phần lan can cầu, sau đó đẩy dạt ra hai bên, nhờ vậy mà bây giờ ô tô con đi lại rất dễ”.
Ông này cũng “tâm tư”: “Bà con ở đây thường hay đau ốm, phải mở rộng cầu thì taxi mới vào chở đi cấp cứu được”, và khẳng định: “chúng tôi mở rộng cầu là theo nguyện vọng của bà con".
Không thấy báo chí phản ánh việc người dân bày tỏ nguyện vọng được “mở rộng cầu”. Càng không thấy phó thường dân nào lên tiếng đồng tình với việc làm của chính quyền địa phương. Câu nói vô tư sau đây của một người dân không chỉ tố cáo sự trí trá, lừa bịp của bọn cán bộ địa phương mà phần nào nói lên sự khác biệt rất lớn giữa mức sống của quan và dân: “Tuyến đường này rất ít ô tô lưu thông, trong xã cũng không ai có ô tô, trừ một cán bộ làm trên huyện”.
Việc làm này đã được chính quyền địa phương thực hiện từ 3 tháng trước. Đến nay, ngoài những phần bị hỏng hóc do đập phá, đường xá ngổn ngang, người ta không thấy cầu được “mở rộng” như giải thích của ông Hùng.
Hậu quả của việc phá hủy lan can, dẫn đến hỏng hóc gần mười chiếc cầu như thế không chỉ ngăn trở sự đi lại bình thường, mà còn đe dọa đến tình mạng của người dân. Và tiền ở đâu, ai sẽ là người giải quyết, khắc phục những hậu quả do bọn cán bộ gây ra như thế? Đây không phải là tội ác, thì phải gọi nó với cái tên gì?
Trong khi quan chức địa phương ngang nhiên hủy hoại tài sản của dân để phục vụ lợi ích của chúng rồi tự ca ngợi nhau là “vì nguyện vọng của dân”. Thì chính người dân lại bị sách nhiễu, xử phạt, bị khủng bố và đe dọa chỉ vì đi vá đường mà không... xin phép.
Tôi đang nhắc đến câu chuyện một số người dân đã tự giác bỏ tiền túi, công sức đi san lấp những ổ gà lớn trên đường- nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn.
Những con người đầy lòng trắc ẩn ấy đã phải đối mặt với không ít khó khăn khi bị những con rô-bốt mang tên “cán bộ” đến tận nhà chất vấn, khủng bố và đòi “xử lý”. Công việc xây dựng, sửa chữa đường xá, phục vụ cho sự lưu thông, đi lại thuận tiện cho người dân là trách nhiệm của chính quyền, của cơ quan chuyên trách nhà nước. Để xảy ra những sự cố hỏng hóc, gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản, cuộc sống, nhu cầu và phương tiện đi lại của người dân mà không khắc phục, là tội ác. Để người dân phải tự làm thay phần việc của mình là phạm pháp và đê tiện. Nhưng sự đê tiện đã lên đến tột cùng khi những kẻ ác dùng quyền thế để ngăn cản, hỏi tội và trả thù những việc làm đầy tính nhân văn ấy.
Người dân chỉ vá đường thôi, mà còn bị chính quyền khủng bố, xử phạt. Đặt giả thiết, thủ phạm của vụ đập phá 7 chiếc cầu nói trên là người dân, thì hình phạt kinh khủng đến thế nào?
Quan chức, nhà cầm quyền ra sức phá hoại đất nước dưới chiêu bài “phục vụ lợi ích nhân dân”, và chúng ngang nhiên tồn tại, làm giàu trên xương máu của hàng triệu người Việt. Trong khi đó, vẫn có những con người nỗ lực trong tuyệt vọng để vá víu, hàn gắn và cứu nguy cho đất nước, thì bị vu khống và trừng trị.
Câu chuyện quan phá cầu, dân vá đường chỉ là một trong vô vàn những câu chuyện nghịch lý trên đất nước này. Trên thế giới này, chẳng nơi nào như thế.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét