Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận - “Quyết liệt” hiện là một trong những từ được giới lãnh đạo Việt cộng ưa dùng, nhất là trong vụ Formosa. Xin đan cử vài ví dụ. Trong cuộc họp báo chính phủ tại Hà Nội ngày 30-06-2016 để trấn an công luận, Văn phòng Chính phủ đã ra thông cáo báo chí trong đó có đoạn: “Ngay sau khi có thông tin về sự cố, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trực tiếp và thường xuyên là Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo triển khai kịp thời các biện pháp hỗ trợ, ổn định cuộc sống của người dân vùng bị thiệt hại; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; bước đầu đánh giá thiệt hại về kinh tế, xã hội, môi trường”. Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cũng hùng hồn khẳng định “Việc công bố hôm nay thể hiện chủ trương công khai của Đảng và Nhà nước. Ngay từ đầu những người đứng đầu Đảng, Nhà nước đã quyết liệt chỉ đạo yêu cầu điều tra nhanh chóng xác định nguyên nhân, thủ phạm gây ra, đánh giá hậu quả gây ra, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng”.
Báo Dân Trí ngày 02-07, trong bài “Đang làm rõ trách nhiệm việc cho Formosa thuê đất 70 năm”, cho biết Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã chỉ đạo quyết liệt trong việc làm rõ có hay không tiêu cực khi thẩm định, phê duyệt, quy hoạch dự án Formosa! Hôm 04-08, tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh có mạnh miệng: “Đảng và Nhà nước đã vào cuộc rất quyết liệt, đầy đủ tài liệu chứng cứ để Formosa không chối cãi được trong sự cố môi trường. Việt Tân đã lợi dụng sự việc để kích động bà con nhân dân đi biểu tình tuần hành chống phá. Đề nghị cử tri tỉnh nhà và đại biểu HĐND hết sức cảnh giác, không mắc bẫy Việt Tân, không nghe kẻ xấu lôi kéo, xúi giục làm tình hình an ninh trật tự phức tạp. Hiện nay lực lượng công an cả Bộ và tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt”.
Nói chung, các phát biểu trên cho thấy toàn bộ hệ thống chính trị VC như đang tỏ ra thiện chí đầy mình, dồn hết sức lực giải quyết vụ thảm họa môi trường ở miền Trung mấy tháng nay: nào buộc Formosa nhận trách nhiệm và bắt nó bồi thường xứng đáng, nào hỗ trợ và ổn định đời sống ngư dân, nào làm sạch lại môi trường biển... Nhưng có thật là VC quyết liệt như thế không?
1- Vụ Formosa nhận tội và bồi thường 500 triệu đô (mà bộ Công an tự hào là do thành tích tranh đấu “quyết liệt” của mình) đã gây phẫn nộ cho quốc dân và ngỡ ngàng cho quốc tế. Trước hết vì đó là số tiền hết sức bèo bọt. Trong vụ tràn dầu ở vùng vịnh Mexico vào năm 2010 (gây thiệt hại ít hơn vụ cá chết 4 tỉnh miền Trung nhiều), công ty British Petroleum cho tới nay đã phải bồi thường 61,6 tỷ đô: tiền phạt hình sự trả cho Bộ Tư pháp Hoa Kỳ: 4,5 tỷ; tiền phạt dân sự trả cho chính quyền liên bang HK, 5 tiểu bang vùng vịnh Mexico và các chính quyền địa phương: 20,8 tỷ; bồi thường cho các cá nhân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư bị thiệt hại từ thảm họa tràn dầu: khoảng 36 tỷ (x. Nguyễn Văn Thân, So sánh số tiền bồi thường giữa BP và Formosa).
Đùng một cái, mới có tin từ báo Dân Trí hôm 10-08-2016 cho hay: Công ty Formosa Hà Tĩnh được Tổng cục Thuế dự kiến miễn thuế và hoàn thuế với số tiền hơn 10,450 tỷ đồng (do bị thiệt hại từ sự cố biểu tình ngày 13-5-2014 lúc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển và thềm lục địa VN). Con số hơn 10 ngàn tỷ được miễn thuế đó so với con số 11 ngàn tỷ (500 triệu đô) mà Formosa hứa trả để khắc phục hậu quả thảm họa môi trường cho thấy nó chẳng thiệt thòi gì cả. Đây đúng là một canh bạc mà kết quả là 51.5 triệu đô lợi nhuận cho tên tội phạm môi trường khét tiếng này. Như thế, trong cái gọi là 500 triệu đô bồi thường cho nạn nhân thảm hoạ, có tới 448,5 triệu không đến từ Formosa mà đến từ chính tiền thuế của người dân VN khốn khổ. Chỉ trả hơn 1 ngàn tỷ đồng sau sự cố, cùng hưởng hàng loạt ưu đãi khác như được thuê đất dài hạn giá rẻ, được thành lập đặc khu, Formosa quả là một tay chơi sừng sỏ. Và việc chấp thuận cho nó vào đất Việt, ung dung gây tội ác mà vẫn bình an vô sự, còn được lợi hơn 50 triệu đô và tiếp tục tồn tại, tất cả cho thấy Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Công an VC… thật ra chỉ đang thể hiện quyết tâm hủy hoại môi trường sống và tương lai nòi giống dân Việt theo lệnh đám thái thú nằm trong Bộ Chính trị mà thôi.
2- Về việc khôi phục môi trường, Quỹ bảo vệ Biển Đức Deutsche Stiftung Meereschutz (DSM) trong Tuyên bố báo chí ngày 26-07 đã vạch trần rằng nhà cầm quyền VN “không hề có giải pháp làm sạch sinh thái:… Chính phủ VN đã nhờ một số chuyên gia quốc tế tư vấn cho quá trình điều tra thảm họa môi sinh này. Nhưng đáng tiếc nhiệm vụ của họ lại chỉ hạn chế trong việc đọc và góp ý kiến cho bản báo cáo của một số nhà khoa học trong nước, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam (VAST) đưa ra, cũng như một chuyến tham quan cưỡi ngựa xem hoa tại chỗ, như chuyên gia Đức, Tiến sỹ Friedhelm Schroeder cho biết. Nhà hóa học từng có 25 năm thâm niên tại trung tâm nghiên cứu Helmholtz Geesthacht, hiện là cố vấn khoa học của viện này, lấy làm tiếc là ý nguyện được tự lấy mẫu (mang về Đức) đã không được chấp thuận”. Tuyên bố báo chí ấy còn mỉa mai VN là điều hành thảm họa một cách thảm họa: Lẽ ra phải thông tin cho công luận về thảm họa môi sinh và cảnh báo dân chúng về các mối đe dọa sức khỏe, nhà cầm quyền VN lại đàn áp các cuộc phản kháng, có nơi rất tàn bạo, và bắt giữ những người biểu tình. Lẽ ra phải coi trọng việc bảo vệ môi sinh và con người, cũng như tìm cách áp dụng nghiêm túc các điều luật hiện hành thì hiện nay chỉ các biện pháp nửa vời đang được tìm kiếm. Theo Tiến sỹ Schroeder, vấn đề hiện tại không thể giải quyết nhanh được, vì muốn vậy, trước tiên phải tìm ra nguyên nhân thực. Mà không có các số liệu đo đạc tiếp theo thì việc đi tìm nguyên nhân chỉ là chuyện đoán mò. Và Quỹ bảo vệ biển của Đức đã yêu cầu Hà Nội phải thay đổi tư duy triệt để [quyết liệt]: Điều tra chi tiết sự vụ này với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế. Tiến hành các biện pháp làm sạch biển trên cơ sở các kết quả điều tra. Áp đặt các hệ thống lọc nước thải hiện đại trong toàn quốc. Kiểm tra nghiêm ngặt các quy định về môi trường và xử phạt các vi phạm!
Nhận xét bi quan ấy tương ứng với cảm nghĩ lúc này của chính những nạn nhân (cụ thể là các ngư dân Vũng Áng). “Bút ký của nhà văn Hoàng Quốc Hải về Formosa” hôm 04-08-2016 cho hay: “...Vậy nguyện vọng bà con thế nào? - Chúng tôi muốn biển Muốn Nhà nước bắt Formosa làm sạch biển cho chúng tôi sinh sống. Muốn Nhà nước tống cổ Formosa đi thì chúng tôi mới yên tâm làm ăn. – Nếu Nhà nước đền bù thỏa đáng, bà con nghĩ sao? – Không! Đã bảo không là không. Không đền bù. Tiền ấy đem làm sạch biển cho ngư dân. Chúng tôi cần sinh sống lâu dài trên đất của tổ tiên đã tạo lập từ ngàn đời. Dân chài 4 tỉnh miền Trung này tới cả mấy chục vạn chứ ít đâu. Lại còn bao nhiêu, bao nhiêu là người sống theo con cá nữa chứ, nó không đơn giản như các ông nghĩ. Các ông hay nghĩ quẩn lắm, định đem vài tờ giấy bạc làm mờ mắt chúng tôi sao?”
3- Về việc hỗ trợ cho người dân lâm nạn, mới hôm qua, 14-08, Dân Làm Báo đã có một video phóng sự và một bài viết ngắn nhan đề: “Biển chết, bố thất nghiệp, con thất học” (tác giả Vì Dân) với nội dung như sau: “Chú Trần Văn Hạn, ngư dân tại Vũng Áng kể về cuộc sống của gia đình từ khi Formosa xả thải đến nay: - Gia đình không biết làm nghề gì mà sống suốt 4 tháng nay. - Đã vay mượn hơn 10 triệu để chi tiêu cho sinh hoạt gia đình. - Không biết làm sao để trả nợ. - Không xoay xở được tiền cho con cái ăn học. - Dự định sẽ dẫn con trai cả vào Nam đi làm thuê, chứ làm ngư dân không được nữa! Ước mong duy nhất của người ngư dân này là "Formosa phải trả lại biển sạch và cút khỏi Việt Nam!" Bồi thường 5 triệu đồng/thuyền. Nhà nào có thuyền thì có tiền. Nhà nào không thuyền thì chết đói sao? 5 triệu/ thuyền mà nuôi được 10 thành viên trong một gia đình trong suốt 4 tháng nay sao? Chẳng lẽ tất cả ngư dân miền Trung phải bỏ biển lên bờ. Đi làm thuê làm mướn mới vừa lòng hả dạ các quan chức chính phủ Việt Nam hay sao? Rồi thì tương lai những đứa trẻ miền biển này sẽ ra sao? Bỏ học đi làm thuê hết sao?”
Một trường hợp khác là chị Nguyễn Thị Hương, người dân thuộc xã Kỳ Phương, huyện Kỳ Anh. Hai vợ chồng chị đã 7 năm thâm niên làm công nhân trông giữ kho container tại công trường nhà máy Formosa, nhưng hiện nay cả hai đều bị bệnh ung thư giai đoạn cuối. Chị ung thư vú, đang xạ trị. Chồng ung thư vòm họng, di căn giai đoạn cuối, chờ ngày ra đi. Cả hai nay đã nghỉ việc, sống vất vưởng qua ngày, trong khi Formosa không một lời hỏi thăm, chẳng một đồng hỗ trợ.
Như thế thì đủ thấy sự quyết liệt của Việt cộng thật ra là “quyết làm cho liệt” dân tộc và đất nước, để chuẩn bị tiến hành các giai đoạn của Mật ước Thành Đô, trong đó tên tội đồ dân tộc thiên cổ Nguyễn Văn Linh đã bộc lộ lập trường phản quốc và phản động (“Tôi cũng biết rằng dựa vào Trung Quốc thì sẽ mất nước, nhưng mất nước còn hơn mất đảng”). Thái độ “quyết làm cho liệt” này vừa biểu lộ thêm ngày 12-08-2016, khi hàng trăm người dân thuộc xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa kéo đến trụ sở của công ty cổ phần Môi trường xanh để phản đối công ty này đổ chất thải gây ảnh hưởng tới sức khỏe cho họ. Tuy nhiên khi dân đến công ty thì nhà cầm quyền đã huy động một lực lượng cảnh sát cơ động gần 200 người với đầy đủ vũ khí để tấn công, đánh đập họ hết sức dã man tàn ác, khiến nhiều người phải nhập viện. Vụ nhà máy Alumin Nhân Cơ mới đây vỡ đường ống dẫn xút cũng không nằm ngoài chương trình “quyết làm cho liệt” của Tàu cộng.
Thành ra, chẳng lạ gì mà đang nổi lên phong trào đòi đưa Formosa ra tòa cùng với các đồng phạm của nó (rất nhiều quan chức từ Nguyễn Tấn Dũng, Hoàng Trung Hải, Võ Kim Cự đến bộ sậu lãnh đạo đảng và chính phủ hiện thời), bắt nó bồi thường thỏa đáng rồi tống cổ nó vĩnh viễn khỏi Việt Nam cũng như buộc những tên đồng lõa phải chịu tội. Trong phong trào này, nổi bật Giáo phận Công giáo Vinh, mà địa bàn gồm cả hai tỉnh chịu trận là Quảng Bình và Hà Tĩnh. Những cuộc xuống đường liên tục suốt hơn 2 tháng qua của giáo dân, được tổ chức quy mô, đông đảo, kỷ luật, với các linh mục dẫn đầu, với những khẩu hiệu rất đánh động: “Formosa quy trình giết dân”, “500 triệu đô không đủ mua quan tài cho dân Việt”, “Chính quyền+Formosa đang ra tay giết hại dân tộc Việt Nam”... tất cả đang làm cho đám chóp bu ở Ba Đình kinh hoảng, và được toàn dân nhìn vào như một tấm gương tranh đấu ôn hòa bất bạo động nhưng hữu hiệu. Phải chăng đó là dấu hiệu nhân dân “quyết làm cho liệt” cái chế độ ác ôn và phản quốc này?
Ban Biên Tập
Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 249 (15-08-2016)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét