20/8/16

Thái độ thương-ghét của người dân là tấm gương phản chiếu bộ mặt của chế độ 

Quảng Tín (Danlambao) - ...Xin hỏi các vị có lương tri không khi ruộng đất của người dân bị cưỡng chế, cướp đi miếng cơm manh áo của người dân và đền bù cho họ với một cái giá rẻ mạt? Các vị có lương tri không khi để cho đồng bào miền Trung điêu đứng vì thảm họa môi trường? Các vị có lương tri không khi chính ngư dân, đồng bào các vị ngã xuống dưới họng súng giặc Tàu ngay trên chính quê hương mình? Các vị có lương tri không khi ra lệnh đàn áp đẫm máu những người biểu tình ôn hòa phản đối nhà máy Formosa thải chất độc ra biển...?

*

Vụ trọng án xảy ra tại tỉnh Yên Bái sáng ngày 18 tháng 8 năm 2016 đã lấy đi sinh mạng của ba cán bộ cộng sản cấp cao của tỉnh này.

Nghi phạm duy nhất cho tới lúc này là Đỗ Cường Minh: Chi cục trưởng chi cục kiểm lâm tỉnh Yên Bái. Hai nạn nhân là Nguyễn Duy Cường - Bí thư tỉnh ủy và ông Ngô Ngọc Tuấn - Chủ tịch hội đồng nhân dân kiêm Trưởng ban tổ chức tỉnh ủy Yên Bái. Nghi phạm Đỗ Cường Minh được cho là đã sát hại hai nạn nhân trên bằng một khẩu súng K59 và tự sát ngay sau đó.

Đối với những người trong gia đình, người thân, bạn bè của những nạn nhân thì đó là những mất mát lớn và không gì bù đắp được, tất nhiên những người đó sẽ đau buồn và khóc thương cho họ.

Những người đồng chí, đồng nghiệp của họ thì sẽ có những phản ứng, những thái độ và cảm xúc khác nhau. Vì chuyện tranh giành quyền lực và đấu đá nội bộ ở các cơ quan công quyền từ thấp tới cao trong hệ thống bộ máy của chính quyền cộng sản, đặc biệt là đối với những người giữ các chức vụ lớn như họ thì mức độ tranh giành quyền lực chắc chắn sẽ rất khốc liệt.

Đối với những người cấp phó của họ thì tất nhiên, những kẻ đó sẽ mừng (tất nhiên là họ không biểu lộ cảm xúc ra ngoài rồi) vì chiếc ghế quyền lực mà bấy lâu nay họ mơ ước với bổng lộc và lợi ích sẽ sớm thuộc về họ. Vì một chiếc ghế trống ở chức vụ cao nhất của một sở sẽ đẩy những người ở cấp thấp hơn lấp vào, và cứ thế những người ở cấp thấp hơn sẽ lấp vào vị trí mà người ngay ở trên sẽ để lại…

Đối với những người giữ chức vụ đồng cấp với họ và những người đang đứng ở những vị trí cao hơn họ trong hệ thống công quyền, chắc chắn họ cũng có những lo lắng và suy tư cho riêng mình. Họ sẽ tự soi xét lại bản thân mình, những mối quan hệ với cấp dưới, những mối quan hệ làm ăn, những ân oán bấy lâu nay trên con đường làm quan của họ có gì khuất tất? Chắc chắn rằng họ sẽ tự đặt ra câu hỏi: liệu một ngày mình có rơi vào thảm cảnh giống ba nạn nhân xấu số kia?

Những phản ứng và cảm xúc của những thành phần được nhắc tới trên đây, chỉ có chính họ, những người trong cuộc mới được biết.

Ngay sau khi tin vụ thảm án được đưa lên các phương tiện truyền thông trong nước. Người dân bắt đầu bày tỏ cảm xúc của mình xung quanh cái chết của ba vị cán bộ xấu số.

Không giống như cảm xúc đau buồn và thương tiếc của người dân sau những tổn thất về sinh mạng trong sự kiện hai chiếc máy bay SU-30 và CASA212 bị tai nạn (theo cách gọi của truyền thông lề đảng) hồi trung tuần tháng 6 năm 2016 ngay trên không phận của Việt Nam. Lần này, nhìn qua các trang mạng xã hội hầu hết phản ứng của người dân là tỏ thái độ vui mừng, hoan hỷ và cảm thấy hả hê.

Đau buồn hay vui mừng hả hê là cảm xúc của con người. Và người ta cảm thấy đau buồn khi người thân yêu của họ hay những người mà họ kính trọng, những con người có ích cho xã hội... qua đời. Còn người ta chỉ có thể hả hê, vui mừng trước một cái chết của ai đó, thì cái chết đó chỉ có thể là cái chết của kẻ thù, của những ai mà người ta cảm thấy căm ghét.

Người dân Việt Nam không bao giờ vô cảm trước những đau thương, mất mát của đồng bào của mình. Họ thương xót và căm phẫn trước cảnh ngư dân mình bị giết hại, cướp bóc dưới họng súng của giặc Tàu. Họ đau buồn trước những thiệt hại của người dân mỗi khi những cơn bão đi qua. Họ chia sẻ với đồng bào, ngư dân miền Trung lâm vào cảnh thất nghiệp, khốn cùng khi thảm họa môi trường làm cá nổi trắng bờ do nhà máy Formosa gây ra - cái nhà máy mà nhà cầm quyền cộng sản đang tiếp tay và dung dưỡng.

Tại sao người dân họ lại hả hê và vui mừng khi ba lãnh đạo cấp cao của tỉnh Yên Bái lìa đời? Vì trong con mắt người dân bây giờ, những quan chức cấp cao của chính quyền cộng sản chính là kẻ thù của họ. Tại sao người dân lại khóc thương cho những người ăn tàn, phá hoại quê hương, trên chính mồ hôi và công sức của họ?

Người dân Việt Nam xưa nay sống trong một đất nước mà tư tưởng bị kìm kẹp, thì phản ứng hả hê, vui mừng trước cái chết của ba vị lãnh đạo kia cũng là cách để người dân bày tỏ quan điểm của mình, cho dù đó là một sự phản kháng yếu ớt.

Và những quan chức cấp cao của nhà cầm quyền cộng sản trước khi lên án người dân tỏ thái độ hả hê, vui mừng trước cái chết của ba vị lãnh đạo kia, họ phải tự đặt cho mình câu hỏi: các vị có xứng đáng lãnh đạo đất nước này không khi chính những người cầm quyền cấp cao lại ra tay sát hại lẫn nhau? - những người mà họ, không ít thì nhiều lần gọi với nhau bằng hai từ “đồng chí”.

Và người dân cũng sẽ hiểu, chính những người lãnh đạo họ - những người cộng sản, những người mà họ vẫn gọi nhau là “đồng chí” đã sát hại nhau như vậy thì những người đó có xứng đáng là những người lãnh đạo đất nước này không?

Sau phản ứng hoan hỉ của người dân trước cái chết của ba vị lãnh đạo xấu số, truyền thông lề đảng (cụ thể ở đây là trang VTC News) đã gọi người dân - những người tỏ thái độ là những “kẻ vô lương đùa cợt trên nỗi đau tột cùng vụ thảm án”.

Vậy thì xin hỏi các vị có lương tri không khi ruộng đất của người dân bị cưỡng chế, cướp đi miếng cơm manh áo của người dân và đền bù cho họ với một cái giá rẻ mạt? Các vị có lương tri không khi để cho đồng bào miền Trung điêu đứng vì thảm họa môi trường? Các vị có lương tri không khi chính ngư dân, đồng bào các vị ngã xuống dưới họng súng giặc Tàu ngay trên chính quê hương mình? Các vị có lương tri không khi ra lệnh đàn áp đẫm máu những người biểu tình ôn hòa phản đối nhà máy Formosa thải chất độc ra biển...?

Nếu các vị gọi phản ứng hoan hỉ của người dân là sự hoan hỉ ngay trên chính nỗi đau của đồng bào mình thì các vị hãy nghĩ lại mỗi dịp 30 tháng 4 hằng năm. Đó là cái ngày mà biết bao nhiêu gia đình đồng bào miền Nam phải chịu cảnh ly tán, mất mát và chia lìa. Bao nhiêu sinh mạng đồng bào miền Nam của các vị đã nằm xuống trên hành trình tị nạn cộng sản để tìm đến bến bờ tự do. Ngày 30 tháng 4 tang thương đó sao các vị không tưởng niệm những người đồng bào của mình mà thay vào đó là tổ chức những lễ kỷ niệm, ăn mừng hoan hỉ... để làm cho vết thương dân tộc thêm hằn sâu?

Mọi cảm xúc và phản ứng của người dân đều có nguyên nhân gốc rễ của nó. Người dân chỉ cảm thấy tiếc thương cho những người mà họ tôn trọng, yêu quí, những người có ích cho xã hội.

Người dân vui mừng và hả hê không chỉ trước cái chết của ba vị lãnh đạo xấu số mà họ vui mừng vì đã nhìn thấy được sự thối nát không thể che đậy của nhà cầm quyền cộng sản.

20.08.2016

0 nhận xét:

Đăng nhận xét