20/11/16

Cách mạng, đổi mới và cây đòn gánh của ông Đường

Ông Bút (Danlambao) - Atlanta trời đang vào đông se lạnh, lá rụng đầy sân, cảnh tượng tiêu điều. Đó đây hội đoàn đồng hương mời họp, lo tổ chức tất niên, như hồi chuông âm thầm trong lòng người, gợi lên nỗi niềm nhớ quê...

Nơi chôn nhau cắt rốn quận Quế Sơn, Quảng Nam, nhưng vào ngày mùng năm, tháng Giêng 1965, quê mình không còn nữa, nhà tôi cùng đoàn người gồng gánh, gọi là: Tản cư tỵ nạn Cộng Sản, ra Hội An. Nơi đây bước vào tuổi hoa niên, tuổi đẹp nhất của đời người, lúc biết yêu thương bạn bè, biết sưu tầm nắn nót những bài thơ, bài nhạc, biết nhớ thương những con đường nhỏ bé, mỗi khi đi xa phố hội.

Vừa lúc lòng đang rộn lên nỗi nhớ quê, đọc báo Vietnamnet, có bài:

Chuyện lạ đất Việt: Lão ông gánh nước kiếm ăn xuyên 2 thế kỷ.

Bài nói về ông Đường, người "trường kỳ gánh nước" và giếng Bá Lễ.

Ngày ấy nhà tôi ở xóm Ty Công Chánh, đường Thái Phiên, trường trung học Quế Sơn (trường dành cho dân tỵ nạn CS) trên đường Cường Để, đối diện xéo góc trường tư thục Diên Hồng (chùa Hải Nam). Mỗi ngày hai bận đi học, đều đi ngang qua giếng Bá Lễ. Song ngày xưa giếng nằm trên một ví trí, không gian thoải mái, bên ngoài khuôn viên nhà thầy Nguyễn Mai Động, nhà có tường bao bọc, có cổng nghiêm trang, cổng bên cạnh giếng, có dàn hoa giấy che phủ, nhờ đó giếng cổ có phần tươi lây. Tường xây kín phần dưới, chừng nửa mét, phần trên bằng song sắt, cao khoảng 2 mét, nhìn toàn cảnh rất thông thoáng, tường bên trái nhà thầy chạy xéo cách giếng cỡ 2 mét, Như thể nó nghiêng mình né giếng cổ, nhà thầy có người con Nguyễn Mai Luân, anh ta cùng trạc tuổi với người viết. Đối diện nhà thầy Động, bên kia kiệt Bá Lễ, có tới 3 người bạn cùng lớp: Hương, nhà làm bún, chúng bạn thường gọi "Hương bún" Bùi Thị Kiến Trung, Nguyễn Văn Thiện.

Bây giờ giếng Bá Lễ tum húm, tối om om, xưa kia giếng hình tròn, "cách mạng về" đổi mới nó hình vuông, còn thêm bức tường của nhà ai đè, chắn ngay "miệng" giếng, trông khắc khổ đến tội nghiệp.

Phố cổ cũng vậy, ngày ấy cũ kỹ rong rêu rất tự nhiên, như con người ở đây hiền hòa mộc mạc, chân phương. Giờ phố cổ không còn như xưa, nó "lên" màu lòe loẹt, giống như bà đào cải lương, tuổi già xế bóng, còn cố trang điểm, phấn son loại rẻ nhất, mua thật nhiều, tô thật đậm.

Phố Hội ơi, nhớ lắm, thương lắm, sao không để tự nhiên, trang điểm sơn phết chi, kinh quá!

Cây đòn gánh của ông Đường.

Xin cảm ơn báo Vietnamnet và tác giả Vũ Trung, đã có bài viết về phố Hội. Song không hiểu sao tác giả dùng tất cả 7 lần từ bán nước, mà không hề đóng ngoặc kép, để người đọc hiểu tác giả dụng ý vui, có thể tác giả Vũ Trung không phải người Hội An, hoặc văn chương "thời đại mới" như thế? Ở Quảng Nam nói chung, thường gọi những người gánh nước thuê là "đổi nước" chứ không gọi bán nước. Từ xa xưa tên ông Đường, đi liền với nghề nghiệp: "ông Đường đổi nước" chứ không phải ông Đường bán nước, bán nước chỉ có Hồ Chí Minh và tập đoàn Cộng Sản mới làm được.

Ông Đường gánh nước mướn từ năm 25 tuổi, đến nay 87 tuổi, xuyên suốt 2 thế kỷ, với 62 năm đòn gánh trên vai, bằng ấy thời gian tần tảo, chính ông Đường nói vui: "Nếu cộng dồn những bước chân, 62 năm chắc tui đi giáp trái đất." Rõ ràng "Mỹ Ngụy" không bóc lột, nên năm 1968 ông mua được một căn nhà, 14 năm dưới chế độ Quốc Gia, không hề nói "vì nhân dân giai cấp" thế nhưng ông đã có nhà cửa, 41 năm dưới chế độ miệng lúc nào cũng ra rả vì dân, ông Đường cũng chỉ có cái quần xà lỏn, chiếc áo "maydo" và hai thùng thiếc.

Đến nay ông Đường không nhớ xuể, đã thay bao nhiêu thùng, bao nhiêu cây đòn gánh. Hễ thùng bể, đòn gánh gãy là thay mới. Tuy tuổi già nhưng ông Đường ý thức chắc nịch: Đòn gánh mới, thùng mới không phải là "đổi mới." Nghề vẫn thế, cuộc đời vẫn lam lũ cơ cực.

Không như Cộng Sản bịp bợm bằng những mỹ từ: Cách mạng, rồi đổi mới, kết cuộc phải muối mặt sao nguyên bản của chế độ VNCH từ thời 1955. Người dân mình nghĩ gì: Với 20 năm chiến tranh do CS cầm đầu hô hào: "3 dòng thác cách mạng"? 

1) cách mạng về quan hệ sản xuất 
2) cách mạng về văn hóa và tư tưởng 
3) cách mạng về khoa học và kỹ thuật.

Cả 3 đều thúc đẩy chủ nghĩa xã hội tiến lên, và tấn công tiêu diệt chủ nghĩa Tư Bản.

Cách mạng của CS là một trò hề, hề không mang lại nụ cười, chỉ mang đến những tang tóc, đỗ vỡ cho quê hương mà thôi, cuối cùng sân khấu hài của CS là đội lên đầu hàng đống nợ to hơn núi non, dâng tổ quốc cho giặc Tàu.

Sống với thể chế Quốc Gia, thời kỳ chiến tranh ác liệt, Thanh Niên đều lên đường nhập ngũ, riêng ông Đường không "bị bắt lính" còn tậu được nhà, dù bé nhỏ, với CS ông ta được gì? Nếu nói không, là không trung thực, chế độ CS cấp cho ông một giấy chứng nhận: "Gánh nước mướn trường kỳ gian khổ," cầm tấm giấy chứng nhận chụp hình, mặt ông nhăm rúm, bà cụ ra vẻ lơ là với "công danh"!?

Hình ông Đường trên báo Vietnamnet.

Tôi nhớ Hội An, nhớ từng đoạn cống bể, chú Đường có lạ gì, cả nhà chú không ai biết chữ. Sở dĩ không thấy nét vui nào trong hình chú cầm giấy chứng nhận gánh nước mướn của CS cấp. Vì chú Đường và bao nhiêu mảnh đời lao khổ, không thể lấy giấy làm vui.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét