Trần Thảo (Danlambao) - Ông Lê Hồng Hà, cựu chánh văn phòng Bộ Công An của Hà Nội từ năm 1958, vừa qua đời ngày 15 tháng 11 năm 2016, và tin tức cho biết lễ tang của ông đã được diễn ra tốt đẹp, không có những phá rối thô bỉ từ phía nhà cầm quyền CSVN.
Ai cũng biết sống gửi thác về, chuyện một người hết tuổi thọ và đi về cõi hư vô là chuyện bình thường. Nhưng sự ra đi của ông Lê Hồng Hà, đã để lại nhiều tiếc thương cho những người từng biết ông, mến mộ nhân cách lớn của ông. Đặc biệt, đối với những người đang băn khoăn vì hiện trạng của đất nước trong phong trào đấu tranh Tự Do Dân Chủ, cảm thấy như mất đi một bộ óc trí tuệ, một tiếng nói có trọng lượng.
Cá nhân tôi, từng nghe nói đến tên của ông, nhưng mãi đến khi ông qua đời, và ông Hà Sĩ Phu cũng như ông Nguyễn Thượng Long phổ biến nội dung buổi điện đàm và buổi phỏng vấn với ông Lê Hồng Hà, tôi mới có dịp lắng nghe những ý kiến của ông về tình hình đất nước, về con đường nào khả thi cho công cuộc đấu tranh mà ông đặt tên là Cuộc đấu tranh cho sự phát triển của đất nước, trong đó, theo ông, dân chủ hoá đất nước là một nội dung phát triển.
Bài viết này đáng lẽ có tiêu đề Góp ý với ông Lê Hồng Hà, nhưng nay ông đã về cõi an lạc, nên tôi chọn tiêu đề Những suy nghĩ về ông Lê Hồng Hà.
Tưởng cũng nên nhắc lại một ít sự kiện quan trọng trong cuộc đời hoạt động của ông LHH để bạn đọc có thể nắm rõ những chuyển biến tư tưởng của ông.
Ông LHH là Chánh Văn Phòng của Bộ Công An tại Hà Nội từ năm 1958. Vào khoảng năm 1967, Trưởng Ban Tổ Chức Trung ương Đảng Lê Đức Thọ đã dựng đứng lên cái gọi là vụ án nhóm xét lại chống đảng, và bắt giam, đày đọa một số cán bộ cao, trung cấp, trong đó có Nhà Văn Vũ Thư Hiên. Năm 1990, ông Lê Hồng Hà và ông Nguyễn Trung Thành đã đọc lại những hồ sơ còn lưu lại, và thấy những khuất lấp mà tập đoàn Lê Đức Thọ cố tình gán ghép, đổ tội cho người. Hai ông LHH và NTT đã can đảm yêu cầu nhà nước CSVN phải mở lại vụ án XLCĐ để trả công lý lại cho những người bị hàm oan. Vì việc này mà hai ông LHH và NTT đã bị loại trừ ra khỏi đảng. Năm 1995, ông Lê Hồng Hà lại dính thêm vào vụ lưu giữ và phổ biến lá thư của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt, được chấp bút bởi ông Nguyễn Trung, trợ lý cố vấn của ông VVK, trong đó mang nội dung yêu cầu chấn chỉnh đảng, tránh chệch hướng, là những điều mà nhà cầm quyền CSVN không thích. Vì vậy mà ông LHH đã bị tù hai năm. Từ mốc thời gian này, ông LHH đã để tâm tìm hiểu tình hình chung của đất nước, và nhiều lần lên tiếng góp ý trong phong trào đấu tranh dân chủ.
Qua cuộc điện đàm với ông Hà Sĩ Phu, cũng như trong cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Thượng Long, ông Lê Hồng Hà đã nói gì? Với cái nhìn của một người bình dân như tôi, tôi đã suy nghĩ thế nào về những phát biểu của ông LHH?
Trước hết, ông LHH đặt tên cho cuộc đấu tranh hiện nay là "Cuộc đấu tranh vì sự phát triển của đất nước" và trong đó "Dân chủ hóa" là một bộ phận phát triển. Hay nói khác đi, ông LHH chủ trương tiến hành đấu tranh tiệm tiến, lấy thế hợp pháp, ngay cả cổ võ cho những điều mà chế độ CSVN làm đúng, chỉ bác bỏ và đả phá những điều chế độ làm sai, từ từ lấn sân, chuyển hóa chế độ đi vào con đường đúng đắn cho dân tộc, cho đất nước, thực thi tự do dân chủ.
Tôi thấy chủ trương của ông LHH không có gì sai, nhưng nó quá lý tưởng, không hiện thực. Tại sao?
Đơn giản là vì không có dân chủ tự do thực sự, thì đừng nói tới phát triển đất nước dù là trong lãnh vực nào.
Sau những thất bại liên tục trên mặt trận tư tưởng khi người dân coi khinh chủ nghĩa Mác Lenin như một thứ chủ nghĩa lỗi thời, vô dụng, đáng ném vào sọt rác, và mặt trận kinh tế khi những ngành kinh tế quốc doanh chủ đạo thua lỗ sạt nghiệp, nợ công ngập đầu, ngành nông nghiệp hợp tác xã phá sản, nhà nước CSVN cứ loay hoay tìm đường ra. Đổi mới bắt đầu năm 1986 tuy cứu được chế độ sụp đổ, nhưng vì đổi mới nửa vời nên lại tiếp tục khủng hoảng, cuối cùng đành nhảy qua đường lối Kinh Tế Thị Trường với cái đuôi "quỷ dị" định hướng XHCN và tư tưởng HCM. Nhìn bề ngoài, chế độ CSVN có vẻ ăn nên làm ra, nhưng hệ lụy của nó là mọi tầng lớp cán bộ bây giờ tha hoá, chả tha thiết gì tới CNXH, chỉ chăm chăm vào việc bòn rút nhân dân càng nhiều càng tốt. Người dân đen bị cưỡng chiếm đất đai, bị bạo lực đàn áp, tất cả đã tạo nên một hận thù ngùn ngụt, chỉ chờ cơ hội là bộc phát. Chế độ có biết điều đó không? Dĩ nhiên là biết, và lo sợ. Càng lo sợ, càng đàn áp điên cuồng. Quốc hội bù nhìn có dám ban hành luật biểu tình, luật lập hội đâu? Chỉ vì gom góp bằng chứng về việc an ninh giết người vô tội mà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị nhốt vô tù, chỉ vì truyền bá kiến thức về quyền con người mà Nguyễn Văn Đài bị bắt giam ngục tối. Với tình trạng như thế, ông LHH muốn đấu tranh hợp pháp bằng cách nào? Ai cho ông hợp pháp?
Theo tôi, thay vì mơ tưởng tới thế đấu tranh hợp pháp quá lý tưởng, chúng ta nên nhắm vào điểm yếu của chế độ hiện nay, đó là tình trạng tha hóa tham nhũng của mọi tầng lớp cán bộ đảng viên hiện nay. Dù mấy ông BCT cứ luôn kêu gào chấn chỉnh phong cách đảng viên, xây dựng niềm tin, lý tưởng XHCN, nhưng ai cũng thấy rõ đều là công cốc, nước đổ đầu vịt. Từ ông trung ương cho đến ông trưởng phòng, ai cũng lo vun vén cho tài khoản của mình càng phình ra càng tốt, ai cũng mong làm vài cú chót rồi hạ cánh đâu đó ở nước ngoài. Nói như ông LHH, đây là quá trình TỰ TAN RÃ của chế độ. Theo tôi, hãy suy nghĩ tìm phương cách thúc đẩy cho quá trình đó xảy ra sớm ngày nào thì tốt cho dân tộc ngày đó.
Điều đó thực tế hơn là mơ tưởng đấu tranh hợp pháp.
Ông Lê Hồng Hà cũng chủ trương đấu tranh nhằm chấm dứt những sai lầm của CSVN, chứ không phải là cuộc đấu tranh nhằm lật đổ nhà nước hiện nay, cuộc đấu tranh chấm dứt vai trò độc đảng trong cơ chế nhà nước, chứ không xóa bỏ đảng cộng sản.
Tôi hiểu vì sao ông LHH chủ trương như thế. Như đã nói ở phần trên, ông nghĩ rằng có thể dùng thế hợp pháp để đấu tranh, chuyển hóa chế độ từ cực xâu qua xấu qua cũng được qua tốt, và khi ông chủ trương chấm dứt cái sai lầm của CSVN chứ không lật đổ nhà nước, chủ trương chấm dứt vai trò độc đảng chứ không xóa bỏ đảng CS, là ông muốn dụ trẻ nít. CSVN không phải là trẻ nít. Hãy nhớ lại lời phát biểu của Đinh Thế Huynh trước đây:
"Việt Nam dứt khoát không đa nguyên đa đảng gì cả, nhân dân VN không cần như thế."
Người dân Hà Tĩnh, Nghệ An xuống đường biểu tình ôn hoà đòi trong sạch hoá môi trường biển vì vụ Formosa mà nhà nước điều động lực lượng công an, an ninh trấn áp không chút nương tay. Họ có nghĩ là họ đang làm chuyện đúng đắn không? Dĩ nhiên là không rồi. Họ biết họ đang làm chuyện ác, trái với lòng dân, nhưng họ đang ở trong tình thế lo sợ. Họ sợ ảnh hưởng dây chuyền của những cuộc xuống đường có thể dẫn đến tình trạng họ không kiểm soát nổi quyền lực, thế nên biết là làm sai họ vẫn phải ra lệnh cho công an, an ninh đàn áp thẳng tay. Hơn ai hết, người CS thuộc nằm lòng chân lý "Có áp bức thì có phản kháng" nhưng họ không thể dừng tay, dừng tay có nghĩa là tự sát đối với họ. Làm sao họ có thể tin tưởng rằng nhượng bộ cho phong trào tự do dân chủ thì đảng CS của họ cũng sẽ được sinh hoạt bình đẳng như những đảng phái khác trong một chế độ đa đảng? Ngay chính họ, họ cũng đâu còn "Tình Nghĩa" gì với CNCS, CNXH. Họ bây giờ là những tên tham quyền cố vị, CNCS, CNXH chỉ còn hiện hữu trên miệng của họ như một lá chắn cho cái tham vọng thối hoắc của họ mà thôi. Họ biết CNCS, CNXH bây giờ đã quá lỗi thời, lạc điệu rồi, nhân dân đang thù hận họ, thà họ bám vào quyền lực ngày nào hay ngày đó, chứ đầu hàng với phong trào dân chủ thì "Hàng thần lơ láo phận mình ra chi?"
Hiện nay, theo thống kê 2015, CSVN có bốn triệu rưỡi đảng viên.
Dĩ nhiên có những đảng viên thường chẳng được xơ múi gì, thành phần này ta cho khoảng chừng nửa triệu người đi. Còn lại là bốn triệu, thuộc thành phần ăn chịu với đảng, còn đảng còn mình. Mỗi đảng viên, có khoảng năm người trong gia đình với quyền lợi liên hệ, thì cái số người luôn mong cho đảng CS trường tồn lên tới hai chục triệu. Con số này giờ đang chiếm hữu những khu nhà sang trọng, mặt tiền ở những thành phố lớn, tha hồ sống thoải mái với tài chính từ các phi vụ làm ăn. Thành phần này họ chỉ biết lợi quyền, họ không quan tâm tới đất nước dân tộc gì ráo, và họ chính là một cản lực rất lớn của cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ hiện nay. Họ có sẵn lòng cho ông LHH chủ trương sửa sai lầm của chế độ không? Còn sai lầm thì họ còn tiền bỏ túi, hết sai lầm thì họ trớt huớt luôn.
Ông LHH cũng chủ trương trong đấu tranh hiện nay không nên đả kích ông Hồ Chí Minh lúc này, cũng như đừng bác bỏ tuốt luốt công lao của những người cộng sản yêu nước trong những cuộc chiến tranh giải phóng trước đây.
Cũng như phần trên, tôi hiểu vì sao ông LHH chủ trương như vậy.
Ông mong muốn dùng thế hợp pháp để đấu tranh, từ từ chuyển hóa chế độ. Như thế, nếu lật mặt ông Hồ và bác bỏ tất cả công lao của người CS thì việc chuyển hóa chế độ từ từ sẽ gặp khó khăn rất lớn, vì nhiều người vẫn tôn sùng ông Hồ, vẫn nhớ công người CS trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.
Về vụ công lao của người CS trong những cuộc chiến tranh giải phóng trước đây, tôi xin được miễn bàn, vì nó vướng mắc quá nhiều vấn đề trong đó. Nếu muốn phân định rõ ràng, cần một nghiên cứu sâu rộng, không thể gom một đề tài rộng như thế vào mấy giòng chữ được.
Riêng ông Hồ, tôi xin được nêu lên một sự kiện mới xảy ra chưa lâu. Khi các em học sinh vùng sâu vùng xa ở địa danh nào đó, đạt được thành quả học tập tốt, ông Trần Đại Quang, chủ tịch nước, đã gửi tặng cho các em những phần quà. Không phải cơm áo gạo tiền, không phải bút chì tập vỡ gì cả, mà là những khung hình của ông Hồ. Điều đó nói lên cái gì?
Chế độ CSVN lo chuẩn bị lực lượng mai hậu cho họ. Những khung hình của ông Hồ đâu có đáng giá bao nhiêu, nhưng về mặt tinh thần, với sự tuyên truyền dối trá của chế độ, sẽ khiến các em nhi đồng in sâu vào đầu óc hình ảnh của "Cha Già Dân Tộc". Khi các em lớn lên, dù ai nói sự thật thế nào, các em cũng chả bao giờ tin, và có khi còn ghét bỏ người muốn giúp mình tìm thấy chân lý cuộc đời.
Theo tôi, đây là một âm mưu trồng người cực kỳ gian ác. Đầu óc các em thiếu nhi như những tờ giấy trắng, người CS muốn quét mực đen vào những tờ giấy trắng đó, sau này làm sao tẩy rửa đây?
Nên vạch mặt ông Hồ cho tất cả mọi người đều thấy đó là một tên gian ác, hay vì nhu cầu đấu tranh tiệm tiến, cần thu phục lòng người mà chúng ta du di? Điều đó tùy vào suy nghĩ mỗi người.
Để kết thúc bài viết, tôi cảm thấy mình may mắn khi đọc được những ý tưởng của ông Lê Hồng Hà, mặc dù tôi phản biện những ý tưởng của ông, nhưng tôi thấy được ông là người của trí tuệ, của lòng lương thiện. Tôi rất ngưỡng mộ những hành xử can đảm của ông khi dám thẳng thắn đòi công lý cho những người bị hàm oan trong cái gọi là "Vụ Án Xét Lại Chống Đảng". Giờ ông đã đi xa rồi.
Tôi chân thành cầu nguyện cho hương linh của ông được về miền an lạc.
Đọc thêm:
0 nhận xét:
Đăng nhận xét