Đại Nghĩa (Danlambao) - Thuở sinh tiền Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu thường nói “Đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy những gì cộng sản làm”. Câu nói này ngày nay đã được chính những cán bộ cộng sản tiến bộ lập lại và lấy làm “tâm đắc”.
Nói dối được coi như là bản chất của cộng sản, những ai sống trong chế độ cộng sản đều phải thi hành đúng phương châm và đi “đúng quy trình”. Ngay cả những đảng viên khi còn đương quyền đương chức cũng không được nói thật, chỉ dám nói thật khi đã về hưu, nếu vi phạm là sinh mạng chính trị không được bảo đảm!
Cụ nhạc sĩ Tô Hải, người nhạc sĩ cộng sản già sau 50 năm miệng lắp khóa kéo, đến tuổi gần đất xa trời không còn biết sợ nên ông đã can đảm viết “Hồi ký của một thằng hèn”, tố cáo chủ trương nói dối của cộng sản để “xả xúc bắp”.
“Sự thật thì cái cách nhồi sọ để nói dối, nói láo này đã được thừa kế từ thời phát xít Hitler-Goebell cho tới nay là bọn bành trướng Đại Hán. Với phương châm: ‘Nói dối bắt đầu từ những điều lớn sau đó mới đến những điều nhỏ!’ hoặc ‘nói dối! nói dối nữa! Bao giờ cũng nói dối…sẽ còn lại một cái gì đó!” (DanLamBao online ngày 10-7-2011)
Theo ông Hồ Chí Minh đã từng rêu rao “vì lợi ích trăm năm trồng người” và “muốn tiến lên XHCN phải có con người của CNXH” nhưng họ đã đào tạo con người của XHCN ra sao. Hãy xem báo điện tử Tuổi Trẻ trong nước qua bài: “Nói dối tràn lan đang trở thành vấn nạn xã hội”.
“Lê Thị Bích Hồng (Phó Vụ trưởng Văn hóa Văn nghệ Ban Tuyên giáo T.Ư) cho biết: ‘Một khảo sát đã được thực hiện trên đối tượng học sinh, sinh viên tại 30 trường học trong cả nước cho thấy một bức tranh cực kỳ nguy hiểm. Nói dối càng ngày tăng dần. Trẻ em nói dối ít, nhưng càng lớn càng nói dối nhiều hơn…
Cùng quan điểm, nhà giáo Nguyễn Quang Kính (nguyên chánh Văn phòng Bộ GD-ĐT) cho rằng: ‘nói dối tràn lan đang trở thành một vấn nạn xã hội…Nhà trường sẽ thế nào khi xung quanh xã hội nói dối nhiều quá. Nếu nhà trường không khai tử được bệnh nói dối này thì thật là một tai họa cho xã hội. Đến chỗ cần nói thật mà vẫn nói dối thì thôi rồi”. (TuoiTre online ngày 23-1-2014)
Cố lão tướng QĐND Trần Độ, một người suốt đời tận trung phục vụ cộng sản nhưng rồi ông cũng nhận ra cái chế độ mà ông đã góp nhiều công sức bảo vệ đã mang tội lừa dối dân tộc và với cả đảng viên. Ông lên tiếng “nói thật” nên đã bị đảng khai trừ và bạc đãi trong ngày sống còn lại lúc cuối đời. Ông đã để lại cho đời quyển “Nhật ký Rồng Rắn” nhằm cảnh tỉnh những ai còn u mê nghe theo lời dối lừa của cộng sản.
“Nói thì ‘dân chủ, vì dân’ mà làm thì chuyên chính phát xít. Cái đặc điểm đó cũng có nghĩa là nói dối, nói láo, lừa bịp, trò hề ‘nói vậy mà không phải vậy’. Suốt ngày đóng trò, cả năm đóng trò, ở đâu cũng thấy các vai hề, ở đâu cũng thấy các vai trò lừa bịp. Suốt ngày đêm, suốt năm tháng lúc nào cũng chỉ nghe thấy những lời nói dối, nói lừa.
Chế độ này bắt mọi người phải đóng trò, bắt tất cả trẻ con đóng trò, bắt người già phải đóng trò. Đặc điểm này đã đóng góp phần quyết định vào việc tạo ra và hình thành một xã hội dối lừa: lãnh đạo dối lừa, đảng dối lừa, cán bộ dối lừa, làm ăn giả dối, giáo dục dối lừa, bằng cấp giả dối, đến gia đình cũng lừa dối, lễ hội lừa dối, tung hô lừa dối, hứa hẹn lừa dối. Ôi, cay đắng thay!” (Trích NKRR trang 42-43)
Nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn, một gia đình trong đó có Huỳnh Thục Vy đấu tranh vì dân chủ hiện sống trong sự bao vây cô lập của nhà cầm quyền tại Quảng Nam cho biết “Hệ thống dối trá” của CSVN như sau:
“Chủ quyền đất nước và danh dự dân tộc không còn hiện hữu trong thời đại dối trá này, không còn hiện hữu trong tâm thức của người Việt Nam hôm nay vì chúng ta đã vô tình hay cố ý hoặc đồng lõa với sự dối trá. Tôi thấy người Việt Nam, xã hội Việt Nam hôm nay tự hào một cách dối trá, sĩ diện một cách dối trá, hài lòng một cách dối trá, yêu nước một cách dối trá, hạnh phúc một cách dối trá, thành đạt một cách dối trá và ứng xử một cách dối trá”. (DanChimViet online ngày 23-9-2012)
Đại tá QĐND Nguyễn Khải, một nhà văn có tài khi còn sống không dám nói lên sự thật, mãi đến khi chết mới để lại cho đời một tác phẩm giá trị “Đi tìm cái tôi đã mất”, ông đã mô tả về sự nói dối của cộng sản như sau:
“Và nói dối, nói dối hiển nhiên, không cần che đậy…Nói dối lem lẻm, nói dối lỳ lợm, nói dối không biết xấu hổ, không biết run sợ. Người nói dối, nói trong cái trống không, người nghe tuy có mặt đấy nhưng chỉ nghe có những tiếng vang của cái trống không. Nói để giao tiếp đã trở thành nói để không giao tiếp gì hết, nói để mà nói”. (DanChimViet online ngày 9-12-2009)
Cụ Tô Hải đã kể lại một chuyện điển hình mà cộng sản Việt Nam đã bịa ra cách nay đã bảy tám chục năm rồi mà vẫn còn bịa…
“Nếu thấy cần, phải ‘bịa’ ra những ‘sự thật’ không hề có, mà điển hình là các vụ Lê Văn Tám, Nguyễn Văn Bé…hoặc phóng đại những chiến thắng tưởng tượng bằng cách giấu nhẹm con số tử vong của ‘Ta’ để đổi lấy việc ‘chiếm đóng, san bằng’ một đồn, bót…” (DanLamBao online ngày 10-7-2011)
Nói về sự dối trá trong lịch sử, Nhà sử học Hà Văn Thịnh, Giáo sư trường Đại học Khoa học Huế có lần trả lời phỏng vấn của nhà báo Mặc Việt Hồng như sau:
“Tôi nói thật với chị, lịch sử Việt Nam hiện đại, chỉ có 30% sự thật, 70% giả dối. Đó là điều rất đau lòng. Ví dụ đánh nhau 30 năm với Pháp và Mỹ mà không thua trận nào là không chấp nhận được…
Sự dối trá đó làm cho sinh viên không thích học sử nữa. Thấy sử là bịp bợm, chán quá! Tôi viết trên báo Lao Động năm 2005 ‘Lịch sử theo giấy học trò’, tôi vạch rõ, dậy sử mà suốt ngày phải nói dối, điều đó làm đau lòng lắm. Ở Việt Nam hiện nay, rất nhiều trí thức ở vào hoàn cảnh nan giải, giữa nói thật và không nói thật”. (DanChimViet online ngày 19-5-2010)
Nhà văn Trần Mạnh Hảo, tác giả tiểu Ly Thân đã viết về “Hiện tượng sám hối…” nhắc lại lời của ông Phó Thủ tướng CS Trần Phương đã về hưu nói như sau:
“…cuộc đời trong mỗi cá nhân chúng ta để vượt qua những sự kiện quan trọng trong đời mà cứ phải nói dối người thân, nói dối gia đình, nói dối mọi người đến mấy lần thì khi về già thấy ngượng, thấy xấu hổ lắm. Nhưng đảng cộng sản của chúng ta từ khi sinh ra đến giờ toàn nói dối mà không biết tại sao đảng không biết ngượng, không biết xấu hổ, không biết sám hối”. (RFA online ngày 7-1-2012)
Không biết cộng sản hiểu dân chủ như thế nào mà khi còn sanh tiền cụ Hoàng Minh Chính, nguyên Viện trưởng Viện Triết học Mác-Lê đã chua xót nhắc lại lời tuyên truyền lừa dối của cộng sản nói về dân chủ của CNXH như sau:
“Nhà nước cộng sản luôn tuyên bố rằng CNXH dân chủ gắp triệu lần CNTB nhưng thực tế cho thấy, chế độ hiện nay (dân chủ) không bằng một phần của chế độ phát xít Hít Le thời xưa…
Hiện nay tự do dân chủ, tự do tôn giáo, Tự do sắc tộc đang bị đàn áp rất nghiêm trọng. Tôi thấy chính quyền hiện nay đang tỏ cho thế giới thấy rằng, họ đang vi phạm trắng trợn quyền tự do của người dân”. (Viet Tide số 119 ngày 24-10-2013)
Mới gần đây, không biết lấy tiêu chuẩn nào mà bà Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Đoan viết trên báo điện tử Nhân Dân ngày 5-11-2011 khoác lác một cách lố bịch rằng:
“Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do dân và vì dân, biết kế thừa những tinh hoa dân chủ của nhà nước pháp quyền trong lịch sử và đã, đang phát triển lên tầm cao mới, khác hẳn về bản chất và cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản…” (Wikipedia tiếng Việt)
Để phản biện cho luận điệu tuyên truyền láo khoét kể trên, Trung tướng QĐND Đặng Quốc Bảo, anh em họ với chủ tịch nước Đặng Xuân Khu trong lần trò chuyện với hai Đại tá Tạ Cao Sơn và Quách Hải Lượng, ông nói thẳng thừng như sau:
“Những người cộng sản không học được ở Chủ nghĩa tư bản. Cho nên, khi lên cầm quyền đã thu tóm quyền lực vào cho đảng, rồi chỉ là tập đoàn, một nhóm người, cuối cùng là quyền lực của một người. Đảng cộng sản độc tài là như vậy, chúng ta cần tạo cho CNTB xuất hiện ở Việt Nam…
Độc tài cộng sản ghê lắm. Thâu tóm quyền lực, lừa bịp nhân dân, biến người dân thành nộ lệ”. (DanChimViet online ngày 3-9-2009)
Đảng cộng sản Việt Nam thường rêu rao Chủ nghĩa tư bản đang giẫy chết, ấy thế mà Nguyễn Giang, trưởng Ban Việt Ngữ đài BBC nguyên là sinh viên dưới mái trường đào tạo con người CNXHVN đã xác nhận: “Chủ nghĩa tư bản ‘giẫy mãi mà chưa chết”. Ngược lại Việt Nam đã đổi mới để trở lại nền kinh tế thị trường đồng thời âm thầm khai tử CNXH khi chưa “hoàn thiện”.
“Những ngày cả nước vẫn muốn tiến nhanh tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội đó, sinh viên như tôi cắm đầu học thứ lý thuyết nói chủ nghĩa tư bản ngay từ lúc sinh ra đã gặp khủng hoảng…
Từ đó đến giờ, cứ theo các văn kiện của đảng và giáo trình chính trị ở Việt Nam thì chủ nghĩa tư bản đã giẫy biết bao nhiêu lần rồi mà chưa chết”. (BBC online ngày 14-9-2009)
Chẳng những CNTB giẫy mà chưa chết trong khi CNXH không giẫy mà chết một cách “đột xuất, không kịp ngáp” tại cái nôi xuất phát ra nó. Do sự tuyên truyền láo khoét và lừa bịp của đảng CSVN nên Trung tướng Đặng Quốc Bảo đã chống lại khi CNXH “đổ vỡ”.
“Tôi chống Đại hội 4 (cứ nói như vậy) vì tôi thấy CNXH suy thoái, tôi cảm thấy CNXH đổ vỡ, khi Trung Quốc chống lại Liên Xô là bắt đầu đổ vỡ hệ thống XHCN rồi (sau này Liên Xô và Đông Âu sụp đổ là sự chứng minh cho suy nghĩ của tôi lúc đó)”. (DanChimViet online ngày 3-9-2009)
Hạ Đình Nguyên, từng là một người “ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản”, ngày nay đã thấy được mình đã bị cộng sản lừa dối, khi tỉnh ra thì thì ông thấy rằng mình đã “góp công” rất nhiều mà chẳng nhận được bao nhiêu nên chua chát viết bài: “Nói dối cưỡng bức?”
“Bản chất của sự nói dối là biết sự thật nhưng cố ý nói khác một cách có ý thức với mục đích che giấu hay tránh né sự thật. Nói khác sự thật, do tình thế cưỡng bức không thể nói sự thật, phải gượng lòng nói dối, tạm gọi là nói dối cưỡng bức.
Sự nói dối cưỡng bức được lập lại nhiều lần, rồi quen đi, nó trở thành tính, thành nết, thành tật xấu, cuối cùng là hình thành sự ngụy tín cho chính mình. Sự nói dối bây giờ trở nên trơn tru, hồn nhiên, giống y như nói thật, mà người nghe thì thấy nó trần trụi, nó gợi lên một cảm nhận trơ trẽn”. (Boxitvn online ngày 27-9-2013)
Đương kiêm Tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng, người có biệt danh là Trọng Lú thường phát ngôn tiền hậu bất nhất như:
- “Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân và vì nhân dân…Nhà nước không có tam quyền phân lập”.
- “Hiến pháp đứng sau cương lĩnh của đảng”.
“Dân chủ đến thế là cùng”…
Ngoài những lần tuyên bố ba hoa khoác lác nói trên, Nguyễn Phú Trọng có được một lần nói thật về tiến trình đi theo “thiên đường mù” CNXH ở Việt Nam như sau:
“Đổi mới chỉ là giai đoạn, còn xây dựng CNXH còn lâu lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”. (Thanh Nien online ngày 26-10-2013)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét