Vũ Ngọc Yên (Danlambao) - Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partner Agreement, viết tắt là TPP) sẽ tạo ra một vùng thương mại tự do lớn nhất thế giới. Donald Trump, ứng cử viên đắc thắng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ trong tháng 11.2016 tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi TPP. Nhiều quốc gia thuộc khu vực Á châu-Thái bình dương bàng hoàng trước động thái này. Tuy nhiên quốc gia duy nhất sẽ hưởng lợi qua việc hủy bỏ TPP là Trung cộng, một quốc gia bị Mỹ cản trở gia nhập TPP.
TPP là một Hiệp định thương mại tự do (FTA) chủ trương liên kết các nền kinh tế phát triển và đang phát triển thuộc khu vực thương mại. Sau bảy năm thương thảo 12 nước tham gia Brunei, Chí Lợi, Tân Tây Lan, Tân Gia Ba, Úc Đại Lợi, Mã Lai, Peru, Hoa Kỳ, Việt Nam, Nhật Bản, Gia Nã Đại và Mễ Tây Cơ, Châu Á- Thái Bình Dương thành một công đồng mậu dịch cắt giảm thuế quan và những rào cản Tây Cơ đã đi đến ký kết Hiệp định vào tháng 2.2016 tại Tân Tây Lan. Theo ước tính, một khi Hiệp định được phê chuẩn, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới.
TPP là đại họa cho Mỹ?
Donald Trump cho biết, Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp định TPP vào ngày đầu tiên khi ông nhậm chức Tổng thống. Ông gọi thỏa ước là "một đại họa cho quốc gia". Hiện tại chưa thể xác định được tuyên bố hủy bỏ TPP có được xem là động thái gián tiếp khai tử chiến lược chuyển trục sang Á châu của chính quyền Obama hay không cũng như những mức độ tai hại trong lãnh vực an ninh Á Châu.
Trong bối cảnh xoay trục sang Á Châu (pivot to Asia), TPP mang nhiều ý nghĩa chính trị đối với Mỹ. Chính quyền Mỹ đánh giá Á Châu-Thái Bình Dương là trọng tâm của kinh tế và chiến lược thế giới trong thế kỷ 21 nên Mỹ muốn xây dựng mối liên kết sâu rộng với một khu vực đang phát triển đồng thời tăng cường sự hiện diện tại khu vực thông qua quan hệ thương mại. TPP sẽ là công cụ giúp Mỹ điều chỉnh lại chiến lược kiềm chế sự trỗi dây của Trung Cộng. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã tuyên bố vào đầu năm “Thực hiện TPP đối với tôi có tầm quan trọng như có thêm một tiềm thủy đĩnh giúp Mỹ hợp tác sâu rộng với các đồng minh để xây dựng một trật tự mới phản ảnh quyền lợi và giá trị của Mỹ".
Chuyên gia kinh tế Lê đăng Doanh đánh giá việc hủy bỏ TPP là một sự nhìn nhận bá quyền Trung cộng tại Á châu. Trung cộng đã mở rộng ảnh hưởng tại Cam bốt, Lào, Tổng thống Phi luật Tân Rodrigo Duterte và Thủ tướng Mã Lai Á Najib Razak đã bắt tay với Bắc kinh. Tất cả là một thách thức cho nhiều quốc gia đang tranh chấp chủ quyền với Trung cộng trên các đảo ở Biển Đông-Thái Bình Dương.
Bắc kinh cũng đang toan tính cho một thỏa ước thương mại mới. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership, viết tắt RCEP) là một hiệp đinh thương mại tư do (FTA) gồm 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 6 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do (Úc, Trung cộng, Ấn Độ, Nhật bản, Hàn quốc, và Tân Tây Lan)
Phản ứng của các quốc gia tham gia TPP
Các quốc gia tham gia TPP đã bàng hoàng trước lời tuyên bố của vị Tân tổng thống tương lai của Mỹ, một quốc gia đối tác có nhiều ảnh hưởng nhất trong TPP. Phát ngôn viên chính quyền Nhật, Yoshihide Suga nói rõ "Không có Mỹ, TPP sẽ không còn ý nghĩa". Bộ trưởng thương mại Tân Tây Lan, Todd Mc Clay lên tiếng hoài nghi tuyên bố của Trump và Thủ tướng Úc Malcom Turnbull nói Úc vẫn còn hy vọng có thể tiếp tục thương thảo lại.
Tân Gia Ba xem chuyện TPP đã kết thúc vì Mỹ đã tạm biệt. Mặc dù tuyên bố rút khỏi Hiệp định TPP, nhưng Trump hứa Mỹ sẽ sẵn sàng ký kết thỏa ước song phương. Giáo sư trường Đại học quốc gia, Ian Chong cho biết lời hứa trấn an này không hữu ích cho một quốc gia nhỏ như Tân Gia Ba. Ông nói "Trong ngắn hạn Tân Gia Ba nên tìm ngõ thoát qua các quốc gia khác như Trung cộng, Ấn độ và Âu châu"
Không có TPP, Việt Nam sẽ ra sao?
Việt Nam là một quốc gia hưởng lợi nhiều nhất trong TPP. Theo dự đoán của các chuyên gia kinh tế, từ nay đến năm 2025 Việt Nam sẽ được lợi khoảng 96 tỷ USD từ việc ký kết TPP. Việt Nam kỳ vọng xuất khẩu sẽ tăng thêm 20%
Tham gia TPP, Việt Nam không chỉ có nhiều cơ hội bổ sung nền kinh tế của mình với những nền kinh tế khác mà còn cân bằng được quan hệ thương mại, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực thị trường nhất định (Trung Cộng, Hương Cảng, Đài Loan). Tham gia TPP đối với Việt Nam được ví von như trúng số độc đắc. TPP được Đảng và Chính quyền Cộng sản xem là công cụ chiến lược giúp Việt Nam hội nhập các thị trường hấp dẫn như Mỹ, Nhật và Úc.
Việc hủy bỏ TPP, Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói với Thông Tấn Xã Đức là một thảm họa cho Việt Nam. Không chỉ kinh tế bị tác hại mà cải cách chính trị cũng có thể bị trì hoãn. Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên giám đốc học viện nghiên cứu phát triển, cho rằng việc đình chỉ thực hiện TPP không chỉ ảnh hưởng cho sự phát triển kinh tế mà còn tác động vào tiến trình cái cách chính trị vì những ràng buộc về quyền lao động, nghiệp đoàn, bảo vệ môi sinh và sự minh bạch chính trị sẽ không còn nữa.
Đảng và Chính quyền Cộng sản đặt nhiều hy vọng vào việc thực hiện Hiệp định TPP. Kinh tế Việt Nam tồn tại được nhờ sự đầu tư của ngoại quốc. Không có TPP, Việt Nam không còn là quốc gia đầu tư hấp dẫn. Thị trường tài chính, chứng khoán và địa ốc sẽ khủng hoảng nghiêm trọng. Việc hủy bỏ TPP có thể tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân.
Trong những năm qua, Đảng Cộng sản chủ trượng xây dựng chính danh cầm quyền trên lãnh vực kinh tế, nhưng đảng đã thất bại vì kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, một mô hình kinh tế pha trộn tư bản-cộng sản đã lỗi thời không đáp ứng được những yêu cầu phát triển. Hơn nữa nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa không tạo được phồn vinh cho quốc gia mà chỉ sinh ra một xã hội nhiều bất công. Hiện nay, Đảng bị phân hóa vì tranh chấp quyền–tiền, cán bộ lãnh đạo biến chất, tham nhũng lan tràn trong mọi cơ sở và bất lực trước những cải cách chính trị.
Không có TPP, tình hình đất nước sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng đồng thời cũng có thể tạo ra nhiều biến động thuận lợi cho một vận hội mới chấm dứt chế độ độc đảng thối nát ngự trị nhiều thập niên trên tổ quốc Việt Nam.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét