Phạm Thanh Nghiên (Danlambao) - Ông Lê Hồng Hà, nguyên Chánh văn phòng Bộ Công an, một người đấu tranh Dân chủ nổi tiếng vừa qua đời lúc 12 giờ 46 phút ngày 15/11/2016 tại nhà riêng số 62 phố Ngô Quyền, Hà Nội, thọ 90 tuổi.
Người báo tin cho tôi là em trai ông Lê Hồng Hà, ông Lê Tiến -nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin Thương mại- Bộ Ngoại thương (nay là Bộ Công thương).
Lễ tang ông Lê Hồng Hà sẽ được cử hành ngày 18/11/2016 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng, số 5 Trần Thánh Tông.
Lễ viếng: từ 7 giờ đến 9 giờ ngày 18/11/2016.
Sau Lễ truy điệu là lễ hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ, Văn Điển, Hà Nội lúc 10 giờ 30 phút cùng ngày.
Khoảng hai năm trước, ông Lê Hồng Hà phải nhập viện sau một cú ngã vì bị trượt chân. Sau khi ra viện, bất chấp tình trạng sức khỏe suy kiệt, ông vẫn tiếp tục làm việc, giữ các mối liên hệ với bạn bè và bàn luận về những vấn đề liên quan tâm đến vận mệnh đất nước. Một năm trở lại đây, ông bị rơi vào tình trạng mất trí nhớ.
Ông Lê Hồng Hà sinh năm 1926 ở Hà Nội. Ông tham gia hoạt động cách mạng chống thực dân Pháp trong phong trào Việt Minh từ năm 1944-1945.
“Sau Cách mạng tháng Tám, ông hoạt động trong ngành công an Bắc bộ, dưới quyền của ông Lê Giản.” (theo Nhà báo Bùi Tín). Ông vào đảng cộng sản tháng 7/1946.
Năm 1947 đến 1951 ông học trường Lý luận (trường đảng) ở Trung Quốc. Năm 1946, ông bị chính quyền thực dân Pháp kết án tử hình vắng mặt.
Năm 1953, ông phụ trách trường Công an trung ương.
“Năm 1958 là Chánh Văn phòng bộ Nội vụ, tức là bộ Công an hiện nay. Ông cũng từng là Vụ trưởng vụ tổng hợp của bộ công an, đồng thời là ủy viên đảng đoàn của bộ công an khi vụ án mang tên chính thức là "Vụ án tổ chức chống đảng, chống Nhà nước ta, theo chủ nghĩa xét lại hiện đại và làm tình báo cho nước ngoài" được dựng lên, Ông về hưu khi hơn 63 tuổi, năm 1989.” (Theo Nhà báo Bùi Tín).
Ông Lê Hồng Hà được biết đến là một con người trí tuệ, nhân cách, thẳng thắn, hồn hậu và can đảm. Khoảng đầu những năm 90 của thế kỷ trước, ông Lê Hồng Hà và ông Nguyễn Trung Thành -nguyên Vụ trưởng vụ Bảo vệ chính trị của Ban tổ chức trung ương, đã làm rúng động Bộ chính trị đảng cộng sản bằng việc yêu cầu đảng xem xét lại Vụ án Xét lại chống đảng, lập một tiểu ban xem xét kết luận lại vụ án, xóa án, minh oan hoàn toàn cho hơn 30 cán bộ, trong đó có 4 ủy viên trung ương, một số tướng, đại tá, nhà báo…
Ông bị bắt giam ngày 6-12-1995. Phiên tòa tại Hà Nội ngày 22-8-1996 sau đó đã kết án ông Lê Hồng Hà 2 năm tù giam với cáo buộc “cố ý làm lộ bí mật Nhà nước”. Bị bắt và xét xử cùng với ông Lê Hồng Hà còn có Tiến sĩ Hà Sĩ Phu và ông Nguyễn Kiến Giang. Ông Hà Sĩ Phu bị kết án 1 năm tù giam và ông Nguyễn Kiến Giang bị 15 tháng tù treo. Cả ba người sau này đã trở thành những cánh chim đầu đàn của Phong trào đòi dân chủ tại Việt Nam trong thời điểm khó khăn và khốc liệt nhất.
Xin trích một phần trong bài viết “Về ông Lê Hồng Hà” của Nhà báo yêu nước Bùi Tín để bạn đọc thấy được cốt cách và tầm vóc của ông Lê Hồng Hà:
“Các ông Đỗ Mười, Đào Duy Tùng, Phan Diễn đạo diễn thêm cuộc xử tù ông Lê Hồng Hà trong vụ án ‘cố ý lộ bí mật Nhà nước’ ngay sau khi khai trừ khỏi đảng CS 2 ông Thành và Hồng Hà thật ra là nhằm trả thù, trừng phạt và bịt mồm ông không được nói đến vụ án Xét lại chống đảng thêm nữa. Họ lấy cái cớ là ông đã có trong tay một lá thư mật của ông Võ Văn Kiệt gửi bộ chính trị và có ý phổ biến rộng, coi đó là phạm pháp (!).
Là một trí thức có tư duy độc lập say mê nghiên cứu lý luận, sau khi bức tường Berlin sụp đổ cuối năm 1989, hàng loạt nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan vỡ rồi Liên Xô tan tành, Lê Hồng Hà không còn tin ở chủ nghĩa Mác-Lê, ở nền chuyên chính vô sản, ở nền toàn trị độc đảng phi dân chủ, ông quan tâm đến những ý kiến giải trình về vụ án của ông Hoàng Minh Chính, người được coi là cầm đầu trong vụ án ‘Xét lại chống đảng’, rồi đồng tình sâu sắc với ông Nguyễn Trung Thành là dứt khoát phải minh oan cho tất cả các anh chị em bị coi là tội phạm trong vụ án đó. Vị thế của ông Nguyễn Trung Thành và của ông Lê Hồng Hà khi xảy ra vụ án là rất có trọng lượng để xem xét lại vụ án. Ông Nguyễn Trung Thành khi ấy là Vụ trưởng vụ Bảo vệ chính trị của Ban tổ chức trung ương, là người trực tiếp thụ lý vụ án, còn ông Lê Hồng Hà là Chánh văn phòng bộ công an, người trực tiếp liên quan đến các giấy tờ truy tố, lệnh triệu tập, tạm giam, thi hành án. Hai ông nhất trí cho rằng vụ án này được dựng lên, không có một ai tổ chức, đứng đầu, không có danh xưng, tôn chỉ mục đích, không có chi bộ, sinh hoạt, chỉ là phỏng đoán, hoang tưởng, chụp mũ để phòng ngừa.
Họ rất sợ xem xét kết luận lại vụ án này ắt phải xem xét lại nhiều vụ án oan sai võ đoán khác, cả những vụ trừng phạt những kẻ bị coi là thân Trung Quốc làm gián điệp cho TQ như vụ án Chu Văn Tấn, thượng tướng chết bi thảm trong tù, hay vô vàn các vụ bỏ tù không mảy may xét xử đối với hàng chục vạn viên chức và sĩ quan của Việt Nam Cộng Hòa, cũng như các vụ xử án kiểu tiền chế, bỏ túi, nói là công khai mà không cho nhân dân vào dự, các phiên tòa xét xử các chiến sĩ đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ, cho tự do tôn giáo mấy chục năm nay.
Họ còn đặc biệt lo sợ các vụ án siêu nghiêm trọng Tổng cục 2, T4, vụ vào đảng CS của tướng Lê Đức Anh, vụ mật đàm ở Thành Đô tháng 9/1990 bị phơi bày”.
Tháng 6/2012, trong cuộc trả lời phỏng vấn do Bác sĩ, cựu TNLT Phạm Hồng Sơn thực hiện, ông Lê Hồng Hà đã khẳng định những người bị bắt, bị bách hại trong vụ “Xét lại chống đảng” là “những con người xứng đáng với bản lĩnh anh hùng, xứng đáng là tấm gương cho thế hệ hiện nay noi theo. Xã hội cần phải tiếp tục công việc để đòi ĐCSVN phải tuyên bố sửa sai, đòi minh oan cho những con người lịch sử đó để bảo vệ chân lý, bảo vệ pháp luật và trả lại thanh danh cho những con người anh hùng đó.”
Một chi tiết ít người biết đến, đó là ông Lê Hồng Hà là con rể Nhà yêu nước Dương Quảng Hàm. Giáo sư Lê Thi (Dương Thị Thoa) vợ ông, từng là viện Trưởng viện Triết học và nhiều năm làm việc tại Viện Nghiên cứu Gia đình & Giới.
Xin vĩnh biệt ông Lê Hồng Hà, một người đáng kính!
15.11.2016
0 nhận xét:
Đăng nhận xét