Dũng Vũ (Danlambao) - Stuttgart, đầu tháng 11, trời u ám, mưa rỉ rả và ớn lạnh. Ở Đức bây giờ đang mùa Thu, lá vàng rụng đầy đường, trời thường có mưa và lạnh khó chịu. Dẫu vậy chiều nay người Việt Stuttgart vẫn mặc áo ấm bước ra khỏi nhà đi nghe nhạc.
Hôm nay, 05.11.2016, hội người Việt Stuttgart có tổ chức một buổi văn nghệ tại nhà xứ Padua, Plieningen-Stuttgart. Quận Plieningen nằm cuối miền Nam Stuttgart, có đại học nông nghiệp Hohenheim nổi tiếng tọa lạc trong một cung điện cổ kính. Nhiều sinh viên du học miền Nam trước 75 đã đến đây học những kỹ thuật hiện đại của Đức về trồng trọt và chế biến thực phẩm.
Chương trình ca nhạc đêm nay mang chủ đề "Nghệ Thuật Tự Do – Yêu Thương Tự Nguyện", một chương trình đặc biệt của giới nghệ sĩ hoạt động "xã hội dân sự", một phong trào quần chúng tự phát đang nở rộ tại Việt Nam, tự nguyện hoạt động xã hội không lệ thuộc vào nhà nước và không được nhà nước công nhận. Những hoạt động thường thấy như bảo vệ môi trường, chống chặt cây xanh, chống Trung Quốc xâm phạm Việt Nam, cứu trợ bão lụt, giúp đỡ dân nghèo, bào chữa miễn phí cho "dân oan", bán cơm giá rẻ cho dân lao động nghèo, …
Đoàn nghệ sĩ chỉ vỏn vẹn hai người. Dạ Lam từ München (Munich) tới, chơi dương cầm. Mai Khôi từ Việt Nam sang, chơi guitar.
Dạ Lam đã quen thuộc ở Âu Châu với biệt hiệu Jazzy Dạ Lam chuyên chơi nhạc Jazz. Ngày xưa cô học nhạc ở Moskau (Nga), sau này sang Đức, học Jazz tại đại học âm nhạc München.
Mai Khôi cũng học nhạc từ thủa bé, được người trong nước ví như một "Lady Gaga" của Việt Nam. Có lẽ do cách ăn mặc. Thế nhưng hôm nay hai cô gái Việt Nam chỉ mặc áo dài.
Hội trường đông nghẹt không còn ghế ngồi; khách đến sau phải đứng. Mọi người đang muốn nghe hai cô ca sĩ hát gì, đặc biệt là muốn gặp gỡ hỏi thăm Mai Khôi, một nữ nghệ sĩ còn rất trẻ đang hoạt động xã hội và nghệ thuật, từng ra ứng cử đại biểu quốc hội và bị loại. Những tâm tư, nguyện vọng, Mai Khôi đã lồng vào những bài hát tự sáng tác và sẽ hát cho mọi người nghe.
Chương trình bắt đầu bằng bài Hát Trên Những Xác Người của Trịnh Công Sơn:
"Chiều đi lên đồi cao, hát trên những xác người. Tôi đã thấy, tôi đã thấy, trên con đường, người ta bồng bế nhau chạy trốn…"
Lâu lắm rồi mới nghe lại bài này, một Ca Khúc Da Vàng nổi tiếng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trước 75, Mai Khôi gọi là "nhạc cấm" vì trong nước không được hát.
Hai cô nghệ sĩ vừa đàn vừa hát. Giọng ca thống thiết đưa mọi người trở về quá khứ. Quá khứ của một cuộc chiến khốc liệt do người Cộng Sản khởi động mà họ gọi là "chống Mỹ cứu nước", "Giải phóng Miền Nam". Người Cộng Sản gọi thế nhưng lịch sử nhân loại chỉ ghi chú một điều duy nhất, chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến ý thức hệ bắt nguồn từ cuộc chiến tranh lạnh giữa hai khối Tự Do và Cộng Sản trong thế kỷ 20.
Câu chuyện đã cũ nhưng dường như hai nữ nghệ sĩ muốn đưa mọi người quay về giòng lịch sử để so sánh quá khứ với hiện tại.
Sau Thế chiến thứ hai, Đức Quốc Xã thua trận, nước Đức bị chia đôi, Tây Đức theo khối Tự Do do Mỹ dẫn đầu, Đông Đức theo khối Cộng Sản do Nga dẫn đầu. Từng là phe đồng minh chống Hitler một thời, Nga, Mỹ bỗng trở thành kẻ thù rồi chạy đua vũ trang để hù dọa giết nhau. Sự kình địch dẫn tới một cuộc "chiến tranh lạnh" khởi đầu từ Berlin, nơi phân chia làn ranh Tự Do-Cộng Sản. Nó gay gắt đến nỗi có thể bùng nổ thành một cuộc đại chiến lúc nào không biết.
Ngày 08.08.1961, Chruschtschow, tổng bí thư đảng Cộng Sản Xô Viết, đã ra lệnh cho Walter Ulbricht, người thành lập Đông Đức, xây bức tường Bá Linh: "Bây giờ tụi tao cho tụi bây một hai tuần" (http://www.spiegel.de/einestages/mauerbau-a-948318.html) nhằm chấm dứt tình hình căng thẳng với khối Tự Do tại Âu Châu. Mối xung đột được dời về các nước đàn em nhược tiểu Cu Ba, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (miền Bắc Việt Nam).
Theo chiến lược bành trướng khối Cộng Sản của Liên Xô, miền Bắc Việt Nam có nhiệm vụ chiếm miền Nam và biến vùng Đông Nam Á thành Cộng Sản. Tham vọng này khiến Mỹ lo sợ sẽ làm khối Tự Do co cụm, Mỹ liền nhảy vào Việt Nam để ngăn chặn. Và chiến tranh Việt Nam bùng nổ.
Liên Xô đã không dám trực tiếp đối đầu với Mỹ mà sai khiến Việt Nam với chiêu bài giải phóng dân tộc, giành độc lập (trong khi các nước chư hầu bị Nga xâm chiếm đòi độc lập suốt bao năm mà Nga không trả). Vở kịch được diễn trên lưng những dân tộc yếu đuối. Việt Nam là một diễn viên được hân hạnh đóng vai chính trong những vai phụ. Hết vở kịch, Việt Nam đẫm máu.
Ngày 30.04.1975, người Cộng Sản Việt Nam chiến thắng. Miền Nam được "giải phóng" khỏi Tư Bản. Đất nước thống nhất và đi theo Cộng Sản. Việt Nam lệ thuộc hoàn toàn vào Liên Xô.
Ngay từ đầu, người Cộng Sản Việt Nam đã xem chủ nghĩa Cộng Sản là một lý tưởng buộc dân tộc phải theo thay vì xem đó là một công cụ nhằm giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Sau 75, họ có cơ hội áp đặt chủ nghĩa Cộng Sản lên toàn nước Việt Nam thống nhất.
Bằng những bài bản bạo lực "chuyên chính vô sản" đánh "tư sản mại bản", đánh "tiểu thương" tịch thu tài sản của dân, tịch thu ruộng đất, trâu bò, đẩy nông dân vào "hợp tác xã", áp dụng "kinh tế chỉ huy", "ngăn sông cấm chợ" không cho dân tự do buôn bán, "đổi tiền" xóa giàu nghèo sau một đêm, dùng "tem phiếu" thay tiền, đuổi dân đi "vùng kinh tế mới", v.v..., người Cộng Sản đã làm cả nước rơi xuống vực thẳm. Toàn dân đói. Một xứ trồng cây lúa mà hạt gạo trong bát cơm thế bằng hạt bo bo. Mọi quyền tự do, quyền con người mất hết. Tất cả trở thành tù nhân trong một chế độ công an trị.
Hậu quả càng khủng khiếp với những trại học tập cải tạo, những chính sách phân biệt đối xử. Hàng triệu người bỏ xứ ra đi, hàng trăm ngàn người bỏ mình trên biển cả, vô số phụ nữ bị hải tặc Thái Lan hãm hiếp thê thảm. Mọi bất hạnh biến thành hận thù dai dẳng hàng trăm năm không dứt.
Mai Khôi và Dạ Lam đang hát những bài hát tự sáng tác. Người nghe đang nhớ lại một thời người Cộng Sản xây dựng Chủ Nghĩa Xã Hội như thế. Một đất nước Việt Nam tan nát.
Dẫu vậy bài "Chiêm Bao" vẫn mơ tưởng những điều tốt đẹp cho cuộc sống. Bài "Hãy yêu nhau đi", "Chị và Em" vẫn gửi một thông điệp tình yêu thay cho thù hận.
Người ta thường nói về Chủ Nghĩa Xã Hội rất nhân đạo. Nó muốn con người không còn bị bóc lột, tất cả đều được bình đẳng, ấm no, hạnh phúc. Cũng tốt thôi và người ta nên để tâm làm điều đó. Thế nhưng, thay vì thế, người ta lại sa đà vào tranh giành quyền lực, đấu đá lẫn nhau. Để bảo vệ mình, người ta dồn công sức, tiền bạc xây dựng một mạng lưới công an chằng chịt, một quân đội hùng mạnh, sẵn sàng đập tan mọi thế lực "phản động", "thù địch", bất kể đồng chí mình, đồng bào mình.
Không để tâm lo cho đời sống người dân được ấm no, hạnh phúc như đã hứa, xã hội ngày càng tồi tệ, lòng dân oán hận. Tức nước vỡ bờ. Cuối cùng cả khối Cộng Sản sụp đổ.
Nhờ biến cố ấy, Việt Nam phải "đổi mới". Xưa kia đánh Tư Bản để theo Cộng Sản, giờ bỏ Cộng Sản theo Tư Bản. Cuộc giải phóng miền Nam trở nên vô nghĩa.
Tuy nhiên người Cộng Sản đã nhìn nhận những sai lầm chủ quan và tự sửa. Họ chẳng cần làm gì, chỉ cần trả lại tự do cho người dân. Người dân miền Nam phấn khởi làm ăn trở lại. Miền Bắc cũng được tự do phát triển theo mô hình miền Nam trước 75, cái mà người Cộng Sản đã ra sức đạp đổ bằng cuộc giải phóng để xây dựng Chủ Nghĩa Xã Hội. Thật mau chóng, Việt Nam đã hồi sinh như một phép lạ. Người dân được tự do hơn, ấm no hơn, hạnh phúc hơn chứ không phải là điều ảo diệu, mơ tưởng như bài hát "Chiêm Bao".
Lịch sử sang trang, Việt Nam được dịp phát triển với nhiều thuận lợi. Đáng lý nhà cầm quyền nên tận dụng cơ hội tốt này, từ bỏ cái triết lý ngoại lai Marx-Lenin đầy tai hại, lấy nền tảng văn hóa Việt Nam để xây dựng một đất nước pháp quyền, dân chủ xã hội, văn minh, nhưng không, người Cộng Sản lại vướng vào cái sai lầm đã làm khối Cộng Sản sụp đổ. Trong hàng ngũ lãnh đạo vẫn còn những đầu óc Cộng Sản viển vông, hủ lậu, vẫn còn thói quen chia bè phái, tham quyền, thủ lợi, vẫn còn tính tự ái cá nhân và thói quen gia trưởng trị dân, trị nước bằng những người công an.
Không đồng tình, người dân lại lên tiếng như hai cô ca sĩ đang hát những bài hát như thể chỉ toàn những câu hỏi "Tại sao".
Tại sao người Cộng Sản soạn ra hiến pháp cho phép người dân tự do ngôn luận mà người dân không được nói? Vậy thì soạn ra để làm gì?
Tại sao Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa, Trường Sa, xâm phạm chủ quyền Việt Nam, bắn giết ngư dân, người dân uất ức phản kháng thì bị bắt, bị kết tội theo đảng Việt Tân, chống phá Đảng và nhà nước? Xưa nay những người ngư phủ Việt Nam sinh sống bằng nghề đánh cá trên vùng biển của đất nước, bây giờ bị tàu Trung Quốc bắn phá, nhà nước không bảo vệ họ, họ phải đi xa tới những nước láng giềng để rồi bị bắt, bị đốt tàu, bị bắn chết. Nghĩa là sao?
Trước thái độ ngang tàng của Trung Quốc, nhà nước Việt Nam rụt rè nhưng dân chúng vẫn tiếp tục xuống đường lên tiếng và bị bắt.
Mai Khôi đang hát bài "Chuyến xe Bus" ray rứt. Tiếng nhạc rầm rầm như những tiếng la, tiếng khóc của một đoạn "phim không hình": công an đang tống người biểu tình lên xe Bus.
Bài "Wer bist Du?", Dạ Lam hát nhẹ nhàng hơn. Bài hát tiếng Đức dịch từ bản tiếng Việt "Anh là ai?" của Việt Khang:
"Darf ich fragen, wer du bist? Warum werde ich verhaftet? Was habe ich verbrochen? (Xin hỏi anh là ai? Sao bắt tôi? Tôi làm điều gì sai?) / Darf ich fragen, wer du bist? Warum schlägst Du mich so erbarmunglos? (Xin hỏi anh là ai? Sao đánh tôi chẳng một chút nương tay?) / Darf ich fragen, wer du bist? Der mich daran hindert auf die Strassen zu gehen um zu protestieren (Xin hỏi anh là ai? Không cho tôi xuống đường để tỏ bày) / Aus Liebe zu meinem Land, dessen Volk so vieles ertragen muss. (Tình yêu quê hương này, dân tộc này đã quá nhiều đắng cay) / Darf ich fragen, wo du bist? Du verbietest mir der chinesischen Invasion entgegenzutreten (Xin hỏi anh ở đâu? Ngăn bước tôi chống giặc Tàu ngoại xâm") …
Vì bài hát này, Việt Khang bị bốn năm tù về tội "tuyên truyền chống nhà nước".
Người bình thường, thật không hiểu nổi, tại sao việc Trung Quốc xâm phạm Việt Nam là một hành vi tội lỗi, người dân chống thì bị tù, trong khi không một ai trong nhà nước bị tù vì không chống lại hành vi ấy để bảo vệ tổ quốc. Lẽ ra trong cương vị lãnh đạo quốc gia, chính họ mới là người phải chống kẻ thù mạnh mẽ nhất.
Nhớ vụ Formosa rất nghiêm trọng gần đây, người Việt hết sức ngạc nhiên trước phản ứng e dè của nhà nước. Xưa nay người dân đang sống an lành, bỗng nhiên xuất hiện cái nhà máy gây ra thảm họa môi trường khiến hàng triệu người điêu đứng. Xưa nay dân sống nhờ biển, bây giờ biển chết, dân sống nhờ ai? Dẫu được bồi thường nhưng ai bảo đảm họ sẽ được một cuộc sống lâu bền như cũ. Dẫu người thất nghiệp được ưu tiên đi lao động "xuất khẩu", nhưng xa quê hương, gia đình vẫn là sự thiệt thòi.
Ở xứ Đức này cũng có nhà máy luyện thép đã hoạt động hơn 100 năm nay, đã sản xuất vô số thép nhưng nó đâu có đem chất thải đổ xuống biển hay chôn giấu bừa bãi như nhà máy Formosa kia. Ngày nay kỹ thuật luyện thép không còn là công nghệ cao và bí mật. Mọi kỹ sư trên thế giới đều có thể học hỏi dễ dàng và làm ra thép với công nghệ sạch. Người chuyên môn không hiểu cách làm của Formosa thế nào mà gây ra thảm họa môi trường ghê gớm dù chưa thực sự sản xuất. Điều đó chỉ có thể cắt nghĩa rằng họ đã dùng kỹ thuật rất lạc hậu và thiếu kinh nghiệm. Nếu vậy thì tại sao nhà nước lại dễ dãi chấp nhận cho những người thiếu năng lực như thế hoạt động tại Việt Nam? Chưa kể họ còn tùy tiện thay đổi kỹ thuật mà Việt Nam không biết. Đó là một sai lầm.
Bị vỡ nồi cơm, người dân uất ức xuống đường, làm đơn kiện thủ phạm là lẽ tự nhiên nhưng nhà nước lại cho rằng có kẻ giật dây, xúi giục. (Cần nhớ rằng, nếu không có người hướng dẫn khuyên người dân nên bày tỏ ôn hòa, trật tự, thì có thể đã xảy ra bạo động). Nhiều tổ chức dân sự đã nhanh chóng quyên góp cứu trợ đồng bào cũng bị nghi ngờ là kẻ xấu và phải xin phép. Đáng lý những việc này nhà nước phải làm, làm thật nhanh và hiệu quả thay vì người dân. Cho nên khi người dân đã tự nguyện ra tay giúp nhà nước, thì nhà nước phải biết ơn họ thay vì nghi kỵ họ, đối xử không tối với họ.
Trước 75 trong miền Nam, mỗi lần có bão lụt, vô số những tổ chức xã hội, tôn giáo, tư nhân lo quyên góp; hàng hàng lớp lớp sinh viên học sinh, thanh niên kéo nhau đi cứu trợ đồng bào. Vấn đề được giải quyết rất nhanh. Người dân tự nguyện làm việc mà không cần đến chính quyền. Chính quyền không bắt dân xin phép và giúp họ công việc vận chuyển. Còn hôm nay, hiến pháp cho phép nhưng người dân không được phép. Phi lý quá. Một người dân bình thường như Mai Khôi cũng phải thốt lên:
"Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc....
Xin ông… cho chúng tôi được đưa tiền cho ông để ông cho chúng tôi được làm việc.
Xin ông... cho chúng tôi được bảo vệ tổ quốc…
Xin ông... cho chúng tôi được làm từ thiện…
Xin ông... cho chúng tôi được quyền như trong hiến pháp, trong hiến pháp,…"
Người dân than vãn. Nhưng đừng nghĩ tiêu cực. Đó là một tín hiệu hữu ích để nhà nước biết được dân tình thế thái ra sao mà trị dân, trị nước. Còn nhiều vấn đề chắc chắn người dân cũng cất tiếng than: tham nhũng, lạm quyền, bạo lực, giàu nghèo chênh lệch, bất công, nhóm lợi ích lo lũng đoạn chính trị để làm giàu, con người đang đua nhau đâm đầu vào ngõ cụt đạo đức, …
Công bằng mà nói, Việt Nam cũng đạt được nhiều kết quả phát triển tốt đẹp sau cuộc đổi mới. Thế nhưng vẫn còn quá nhiều vấn đề một mình chính phủ lo không xuể. Chính phủ cần người dân góp tay. Cho nên cần khuyến khích, tạo điều kiện dễ dàng cho những hoạt động dân sự phát triển vì mục đích tốt một cách văn minh, ôn hòa hơn là cấm đoán hoặc bắt buộc xin phép vì sợ dân sẽ gây xáo trộn và lật đổ chính quyền. Dân chẳng bao giờ lật đổ chính quyền mình thương mến.
Hãy nhìn lại một kinh nghiệm, sau 75, nhà nước đã "ngăn sông cấm chợ" khiến nền kinh tế quốc dân kiệt quệ. Nhận thấy sai lầm, nhà nước đã sửa sai, cho dân tự do làm ăn trở lại thì kinh tế lại đi lên. Dân được tự do, hào hứng làm việc nhưng không gây xáo trộn và cũng không lật đổ chính quyền.
Giờ đây tựa vậy, nhà nước hãy để cho người dân được tự do hoạt động, như trước 75 ở miền Nam vậy, chắc chắn xã hội sẽ tốt đẹp hơn. Thử tưởng tượng một ví dụ, nếu không có tiếng nói của người dân, có thể Formosa sẽ tiếp tục gây thảm họa môi trường, những công ty ngoại quốc vào Việt Nam sẽ coi thường dân Việt Nam và có thể tùy tiện làm những việc không tốt cho đất nước.
Hôm nay mọi người được thưởng thức một chương trình ca nhạc thú vị. Nhạc đương đại cao cấp, pha âm hưởng ca trù Việt Nam, Jazz và Blues. Nhạc Jazz nhiều người nghe không quen tai nhưng hiểu lời. Lời mộc mạc như sự bày tỏ nhẹ nhàng những nguyện vọng của thường dân.
Lần đầu tiên Mai Khôi sang Đức. Cô được nhiều người ái mộ, nhất là giới trẻ, du sinh chắc chẳng phải vì cô là một "Lady Gaga của Việt Nam" mà là một người trẻ dám dấn thân hoạt động xã hội. Người đồng hương hỏi thăm cô về tình hình trong nước. Cô thành thật kể nhưng chẳng nói xấu gì nhà nước. Cô gái có một giọng nói nhỏ nhẹ chỉ mong Việt Nam sẽ khá hơn, người dân được tự do làm những điều tốt đẹp cho đất nước như những gì hiến pháp cho phép.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét