27/5/17

Giá trị của tự do tư tưởng và ‘’tập trung dân chủ’’


Vi và Nam thân,

Sáng nay trời bên này mưa làm mình nhớ lại những ngày đầu mùa mưa ở bên nhà. Tuy đã hơn 30 năm đi xa, nhưng những hình ảnh quê nhà không lúc nào xóa mờ trong tâm thức. Mình đọc trên trang mạng thấy có nhiều sự việc xảy ra gần đây. Những tin tức từ quê nhà, nhìn từ góc cạnh của một người ở xa quê hương, không khỏi khiến mình suy ngẫm về những khác biệt ở nơi mình đang sống và ở nơi mình hoài vọng được sống, trong tự do trên quê hương. Trông người mà nghĩ đến ta...

Ông Nguyễn Vũ Bình viết rằng trong những ngày đầu tháng năm, ngoài việc truyền thông lề đảng liên tục tuyên truyền, đả kích các linh mục Đặng Hữu Nam và Nguyễn Đình Thục, nhà cầm quyền còn tổ chức cho các hội đoàn ngoại vi của đảng tiến hành hội nghị đấu tố và biểu tình phản đối các linh mục (1). Nhà cầm quyền đã thông báo lệnh bắt giam Bạch Hồng Quyền, một người hoạt động truyền thông, người đã đưa tin về các vụ khiếu kiện, biểu tình của người dân miền trung chống Formosa. Nhà cầm quyền đã thực hiện việc bắt cóc Hoàng Đức Bình, cũng là một người đấu tranh, hoạt động truyền thông tích cực. Chuyện cô Lê Mỹ Hạnh bị đánh và những người hành hung còn ngang nhiên đăng tải trên mạng việc họ hành hung cô. Chuyện gia đình cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị khủng bố, trấn áp và gây nhiều khó khăn trong khi cô bị giam cầm (2). Mình nghe rằng người trong và ngoài nước đang quan tâm đến sự cực đoan và quá khích của đảng cầm quyền, và lo lắng về sự an toàn của những người đang dấn thân trong xã hội dân sự, gia đình họ và mọi người khác đang bị chính quyền chú ý.

Phiên tòa phúc thẩm xét xử hai người yêu nước là ông Trần Anh Kim và Lê Thanh Tùng sẽ diễn ra vào ngày 26/5/2017 (3). Trong phiên sơ thẩm tháng 12/2016, luật sư Võ An Đôn đã khẳng định hai ông vô tội. Ông Đôn nói rằng: “Hai ông chỉ mới có ý tưởng thôi, chưa có hành động cụ thể nào cả. Mọi thứ còn đang nằm trong suy nghĩ của hai ông, không có hành vi nào được thực hiện nên không thể gọi là có tội được. Mà mọi công dân đều có quyền được suy nghĩ, được tự do tư tưởng...”.

Dư luận trong và ngoài nước đang bàn cãi về một đề xướng từ đảng cầm quyền Cộng sản Việt Nam về việc nghiên cứumở ra đối thoại “với những cá nhân có ý kiến và quan điểm khác với đường lối, chủ trương, quan điểm của đảng và pháp luật của nhà nước.” (4). Trong cuộc họp sơ kết của ngành tuyên giáo – báo chí ngày 18/5 vừa qua, trưởng ban tuyên giáo TƯ đảng Võ Văn Thưởng nói rằng: “Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, cọ sát ý kiến khác nhau để tìm ra chân lý.” Bởi vì lời nói và việc làm của đảng thường không đi đôi, dư luận vừa nghi ngờ vừa tò mò về những cụm từ to rỗng mà ban tuyên giáo đã dùng.

Tự do tư tưởng – mình nên hiểu thế nào về vấn đề này? “Suy nghĩ” là động thái mà ý tưởng hình thành. Suy nghĩ bao gồm tưởng tượng, niềm tin, ước mơ, hy vọng, ham muốn, phản ánh, lập luận, ghi nhớ, cảm nhận, đặt câu hỏi, khát vọng, và tầm nhìn cho tương lai (5). Suy nghĩ là một phần quan trọng trong cuộc sống con người. Suy nghĩ kết nối với hành động. Khi mọi người đưa ra ý kiến ​​của mình, họ sử dụng các năng lực tinh thần của họ, biểu hiện qua những ý tưởng và quan điểm họ có. Suy nghĩ cũng quan trọng ngay cả khi một người không phát biểu ý kiến. Điều nầy làm cho sự kiểm soát suy nghĩ của cá nhân có phần khó khăn. 

Tự do tư tưởng là một tự do cơ bản trong việc thiết lập và duy trì các quyền tự do khác, như tự do lương tâm, tôn giáo, ngôn luận, liên kết, và lập hội. Việc cắt giảm tự do tư tưởng giảm bớt các quyền tự do quan trọng khác (5). Tư tưởng không đồng nhất, hay là bất đồng tư tưởng (bao gồm bất đồng chính kiến), là những suy nghĩ ngược lại sự tuân thủ trong mọi danh nghĩa, như tuân thủ trong danh nghĩa của an ninh quốc gia và danh nghĩa của lợi ích chung của xã hội. Bất đồng tư tưởng là một nguyên tắc quan trọng của khoa học, chính trị và giáo dục. Bất đồng tư tưởng cũng là một nguyên tắc quan trọng cho sự phát triển và sáng tạo của cá nhân và xã hội.

Chính qua bất đồng tư tưởng và chính kiến mà xả hội có thể khám phá ra những mâu thuẫn giữa người cầm quyền và công dân trong những vụ việc mà công dân qui hoạch trách nhiệm giải trình cho hợp lý của người cầm quyền. Trong tình trạng ở quê nhà hiện nay, việc khám phá những bất công này thường dẫn đến những khó khăn, trừng phạt, lưu vong và lưu đày cho những công dân liên hệ. Chính vì vậy mà các quyền cơ bản khác như tự do bầu cử và tự do lập đảng phái chính trị, cũng cần phải được bổ xung để giảm thiểu tiềm năng lạm dụng quyền lực của người cầm quyền.

Điều 18 của Tuyên Ngôn Nhân Quyền Liên Hợp Quốc năm 1948 (UDHR), đề xuất rằng "mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo. Quyền tự do này bao gồm tự do thay đổi tôn giáo hoặc tín ngưỡng của mình, và tự do, một mình hoặc trong cộng đồng với người khác và ở nơi công cộng hoặc tư nhân, để biểu lộ tôn giáo hoặc niềm tin của mình vào việc giảng dạy, thực hành, và thờ phụng" (6). Các khẳng định của UDHR đã tạo ra các điều khoản LHQ tiếp theo nhắc lại tầm quan trọng của tự do tư tưởng. Ví dụ, Điều 18 của Công ước Quốc tế về Quyền Chính trị và Dân Quyền (ICCPR) cho rằng quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo bao gồm quyền tự do "biểu lộ niềm tin vào việc thờ phượng, tôn trọng, thực hành và giảng dạy". UDHR và ICCPR tuyên bố các nguyên tắc không phân biệt trong đối xử, bình đẳng trước pháp luật và quyền tự do tư tưởng, lương tâm, tín ngưỡng.

Ở nơi mình ở, đa số mọi người tôn trọng tự do tư tưởng và tôn trọng ý kiến của người khác, ngay cả chính phủ và các tổ chức công quyền cũng nghe dân, đối thoại với dân và chịu trách nhiệm trước dân trong nhiệm kỳ giữa các cuộc tự do bầu cử. “Tôi không chấp nhận những gì bạn nói, nhưng tôi sẽ bảo vệ cho đến chết quyền của bạn để nói nó.” (7). Qua tự do tư tưởng, xã hội đánh giá cao sự sáng tạo và mọi người đều tự do đóng góp các giải pháp cho các vấn đề quan trọng đối với họ. Chúng ta nên nhớ rằng có nhiều vấn đề mà các chính phủ không phù hợp để giải quyết. Người dân (đặc biệt là xã hội dân sự) có phần năng động trong việc giải quyết một số các vấn đề xã hội. Những người này quan tâm đến những vấn đề trên và họ tổ chức và làm việc để giải quyết vấn đề. Trong thương mại, Steve Jobs coi trọng cách “nghĩ ngược” (“think different”) để nâng cao khả năng sáng tạo của công ty Apple, và sự thành công của công ty này là một chứng cứ về sự quan trọng của tự do tư tưởng trong qui trình sáng tạo, đóng góp vào việc phát triển và đổi mới.

Giáo dục bên nhà và bên này về việc phát triển tự do suy nghĩ trong từng cá nhân là rất khác nhau. Theo mình hiểu, phi chính trị là chủ trương trong giáo dục bên này, nhất là trong việc đào tạo những thế hệ trẻ. Những việc như tổ chức các nhóm “cháu ngoan bác Hồ” ở các lớp tiểu học, tổ chức cộng sản đoàn trong các trường trung và đại học, để áp đặt chủ nghĩa cộng sản và vô thần lên thế hệ trẻ là một điều tràn lan trong ngành giáo dục bên quê nhà. Nhưng bên này, kiểu tổ chức này hoàn toàn không bao giờ có thể được nghĩ đến, bởi vì nó vi phạm luật pháp về tự do tư tưởng và ý thức chung của cộng đồng. Mọi khuynh loát để giới hạn sự suy nghĩ của những người trẻ trong khung thức hạn hẹp và lỗi thời của một chủ nghĩa được coi là một tội phạm chống lại căn bản của quyền con người. Việc khuynh loát và giới hạn suy nghĩ có khả năng hủy hoại những thế hệ của đất nước, tiêu hủy một tiềm năng rất lớn của một dân tộc. Tình trạng suy thoái trong xã hội hiện nay bên nhà (8), một phần không nhỏ dính líu đến những vi phạm nghiêm trọng về quyền tự do tư tưởng trong chính sách của đảng cầm quyền. Trớ trêu thay, chính ông Hồ Chí Minh đã nói rằng “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Dĩ nhiên, nói một đàng, làm một nẻo là lịch sử của đảng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn nhận định rằng (9): “giải quyết khủng hoảng ở Đồng Tâm cần lãnh đạo có uy tín cá nhân để người dân có thể đặt niềm tin. Nhưng cách thức vận hành quyền lực ở Việt Nam hiện nay không thể tạo ra một kiểu lãnh đạo như vậy. Nhận định này không phải đơn thuần dựa trên quan sát các dữ kiện lịch sử, mà quan trọng hơn, căn cứ vào nguyên tắc tổ chức quan trọng của mô hình đảng leninist: ‘tập trung dân chủ’. Theo đó, bất kỳ đảng viên nào cũng không được nói hay làm trái nghị quyết - tức là quyết định của tập thể cấp ủy đảng của mình. Bằng không sẽ bị buộc rời bỏ hàng ngũ đảng với kết cục không thể tồi tệ hơn. Đảng viên quèn cấp thôn hay ủy viên bộ chính trị đầy quyền lực như Trần Xuân Bách thì cũng không khác nhau một khi đã nói và làm trái nghị quyết. Để không bị loại, họ đã phải trải qua vô số trường hợp trong đó họ phải nói và làm trái những gì họ tin là đúng - nhiều đến mức họ còn không tin vào chính bản thân họ nữa, thì làm gì còn chuyện uy tín cá nhân với cộng đồng và xã hội.”

Theo mình nghĩ, các đảng viên có tự do lương tâm nên nghĩ đến mối quan hệ nhân quả giữa nguyên tắc tập trung dân chủ và những hành động cực đoan và quá khích của đảng. Những điều sau đây cần xem xét và cân nhắc.

- Tôi sinh ra là người Việt trước khi tôi trở thành đảng viên của đảng stalinist.

- Tôi là một người với tư duy và tiềm năng, tuy nhiên thỉnh thoảng tôi trở thành một nhân sự của một bộ máy công an trị mà mục tiêu chính là phục vụ một thiểu số đang bóc lột đồng bào tôi.

- Tôi có tự do tư tưởng và khả năng nghĩ ngược trước khi tôi cúi đầu tuân thủ xuyên qua tập trung dân chủ.

Vi và Nam thân! Mình chắc chắn rằng còn có rất nhiều chuyện tương tự khác đã xảy ra trên quê hương mà mình không được biết đến. Hy vọng hai bạn được an toàn trong thời gian đầy thử thách nầy, và không gặp phải quá nhiều bức xúc trong suy nghĩ về hiện tình xã hội và tương lai của đất nước. Theo minh nghĩ, trong một Việt Nam tương lai, tự do tư tưởng phải được qui trình trong hiến pháp và tất cả mọi người thực sự tôn trọng quyền căn bản nầy, mọi người trong xã hội tôn trọng ý kiến của nhau, và tự do suy nghĩ là điều hiển nhiên cho từng người trong xã hội. Cái gọi là tập trung dân chủ, đó là một nguyên tắc ​​tồi tệ.

Xin hẹn lại thư sau!

Canada, 26/5/2017

Phạm Đình Bá
goc-tin-tuc.blogspot.com

______________________________________

Chú thích:

(5) Luce Swaine. Freedom of thought as a basic liberty. Political Theory I-21.
(6) G.A. res. 217A (III), UN Doc A/810 at 71 (1948), Article 18. Cf. Convention for the Protection of Human Rights and Fundamental Freedoms, Nov. 4, 1950, Europ.T.S. No. 5; 213 U.N.T.S. 221.
(7) Evelyn Beatrice Hall, 1906

0 nhận xét:

Đăng nhận xét