31/5/17

Vì sao, chính quyền Mỹ đón tiếp nhà cầm quyền vi hiến CSVN?!

Nguyễn Lộc Yên (Danlambao) - Ngày nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có Hiến pháp, đấy là đạo luật căn bản quy định các quy tắc pháp lý quan trọng nhất của quốc gia, quy định các cơ quan điều khiển quốc gia với các thẩm quyền của các cơ quan ấy, những nguyên tắc chính trị căn bản, thiết lập, kiến trúc, quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền; quyền hạn và trách nhiệm của người dân trong quốc gia. Khi chính quyền đại diện bởi một cơ quan, một tổ chức hay một cá nhân mà có hành động trái với các quy định của Hiến pháp đã quy định là hành động vi Hiến. Từ đấy, chúng ta cần xem xét chính quyền Cộng sản Việt Nam (CSVN) tức nhà cầm quyền CSVN đã/đang điều hành nước Việt Nam có đúng với Hiến Pháp đã quy định hay không?!

Thưa không, hiện nay “Tứ trụ Ba Đình” tại Việt Nam, nhân vật thứ nhất là đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng muốn đánh bại phe nhóm tham ô Nguyễn Tấn Dũng lại nhờ Trung cộng hỗ trợ, để được tái làm Tổng bí thư Đảng CSVN, ông Trọng âm thầm làm thái thú cho Trung cộng. Thế nên, Đảng trưởng CSVN Nguyễn Phú Trọng vào ngày 12-01-2017, tại Bắc Kinh, đã cúi đầu thần phục: 

Than ôi! Đảng trưởng bút sa. 
Việt Nam lệ thuộc, xót xa giống nòi?!. 

Một đảng trưởng đảng CSVN, lấy tư cách gì để ký 15 "văn kiện hợp tác" giữa 2 quốc gia Việt-Tàu, đấy là vi hiến???!. Người Việt Nam khó biết nguyên văn nội dung của 15 "văn kiện đã ký kết"?! Tuy nhiên, đấy là những cam kết mà Chủ tịch nước Tàu là Tập Cận Bình đã buộc Nguyễn Phú Trọng phải ký là Việt Nam thần phục Bắc Kinh. Xin tóm tắt một vài điều mà "Đảng trưởng đã bút sa?!”:

- Thỏa thuận hợp tác đào tạo cán bộ cấp cao giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc. 

- Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Trung Quốc đến năm 2025.

- Hiệp định khung hợp tác cửa khẩu biên giới đất liền giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc...

Ngoài ra, chế độ độc tài, độc đảng của Đảng CSVN đã bóp chết quyền tự do, dân chủ của người dân. Hiện nay, 3 nhân vật “Tứ trụ Ba Đình” đứng sau ông Trọng là: Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mà các chức danh này lại do Đảng CSVN chỉ định vào đầu tháng 4, 2016; mãi đến 3 tháng sau tức tháng 7/2016, mới cho bầu cử để hợp thức hóa các chức danh ấy, đấy là việc làm vi hiến, phi pháp?! Thế mà, người Việt vẫn lặng lẽ hay tính bao dung của người Việt để cho những kẻ giữ các chức danh vi hiến ấy là “Đảng trưởng, Chủ tịch nước, Chủ tịch quốc hội, Thủ tướng” mặc sức gây sóng gió khắp Việt Nam, mặc sức đày đọa đồng bào, họ còn khom lưng cúi đầu thần phục Bắc Kinh là sao?! 

Hôm nay, ngày 31-5-2017, ông Nguyễn Xuân Phúc được gọi là Thủ tướng Việt Nam sẽ gặp Tổng thống Hoa kỳ Donald Trump, theo dự kiến cuộc hội đàm sẽ diễn ra trong 90 phút, sẽ bàn bạc về quan hệ song phương và hợp tác khu vực. Vậy ông Thủ tướng vi hiến này sẽ gặt hái được gì hay bị thất bại trong chuyến đi Washington gặp phải bối cảnh nước Mỹ đang khó khăn về chính trị?!

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng vi hiến Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (Ảnh: VOA)

Chuyến đi Mỹ của ông Phúc, theo thiển nghĩ của người viết sẽ có ba (3) vấn đề cần lưu ý:

1- Vấn đề thương mại: Theo bản tin VOA ngày 29-5-2017: “Trong năm 2016, kim ngạch thương mại Việt-Mỹ là 46,8 tỷ đôla, trong đó Việt Nam xuất sang Mỹ tới 38,1 tỷ đôla. Cũng năm 2016, kim ngạch thương mại Việt-Trung là 71 tỷ đôla, song Việt Nam nhập từ nước láng giềng khổng lồ tới 50 tỷ đôla”. Thế nên, về kim ngạch thương mại thì Việt Nam rất cần Hoa Kỳ vì Việt Nam xuất cảng sang Hoa Kỳ gần gấp đôi xuất cảng sang Trung cộng mà Việt Nam phải nhập từ Trung cộng tới 50 tỷ đôla.

2- Vấn đề an ninh: Dù rằng Tổng thống Donald Trump đã hoan hô khi tiếp kiến Chủ tịch Trung cộng là Tập Cận Bình ở Mar-a-Lago, Palm Beach, Florida vào ngày 6-4-2017. Thế nhưng, gần đây Trung cộng tỏ ra có những sách lược đối lập với lợi ích của Mỹ. Trong khi ấy, Tổng thống Rodrigo Duterte của Philippines lại muốn theo Tàu xa Mỹ mà nước Việt Nam ở vào vị trí chiến lược có thể kiềm chế Trung cộng tại biển Đông. Thật vậy, vị trí Việt Nam rất quan trọng, thế nên chí sĩ Lý Đông A (1920-1946?) cũng là một nhà Thái dịch uyên thâm đã nhắn nhủ đồng bào Việt: “Chúng ta hãy quay về mình xem hình thể của tự mình. Đất ta là đất cơ sở của Thái Bình Dương, trung tâm của Đông Nam Á, tư lệnh đài của quốc tế, được ta thì tiến lên xưng bá loài người, lui về tự thủ muôn thuở, bất cứ trên chính trị, quân sự, kinh tế, chiến lược, văn hóa đều đứng vào thiên hiểm của trung tâm. Cho nên tự phần ta nên hiểu: đời nay nếu ta muốn sống phải hết sức mạnh mà ta hững hờ thì tất diệt.... vì thế giới kẻ nào chiếm được ta mới xưng bá được lâu dài; tiện nhất và thẳng đường nhất là Tàu, ta là cái xương hóc giữa cổ họng chú chiệc, phải hiểu thế”. Thế nên, “Vì sao, chính quyền Mỹ đón tiếp nhà cầm quyền vi hiến CSVN?!” là vì địa thế trọng yếu của nước Việt Nam.

Song song với lợi ích thương mại và an ninh khu vực, Tổng thống Trump lại muốn Việt Nam hợp đồng mua bán vũ khí của Mỹ, có lẽ Mỹ-Việt sẽ hợp tác trong lãnh vực này. Điều này, đã thể hiện vào ngày 22-5-2017, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam là Ted Osius đã đại diện phía Mỹ chuyển giao 6 tàu tuần tra Metal Shark 45-foot (khoảng 14 mét) cho Cảnh sát biển Việt Nam tại Quảng Nam.

3- Vấn đề nhân quyền: Tại Việt Nam đang bị đàn áp khốc liệt, như: Giết hại bằng cách cắt cổ anh Nguyễn Hữu Tấn trong đồn công an ở tỉnh Vĩnh Long. Công an tấn công giáo xứ Song Ngọc đã gây ra máu đổ... người dân đã/đang ai oán khắp nơi!!! Thế nhưng, Tổng thống Trump không đặt vấn đề nhân quyền là cốt lõi, kinh nghiệm cho thấy Tổng thống Trump không hề nhắc đến vấn đề nhân quyền với Chủ tịch nước Trung cộng là Tập Cận Bình khi ông Tập gặp ông Trump ở Mỹ. Dù vậy, tuy ông Trump làm Tổng thống nhưng nước Mỹ còn có lưỡng viện Quốc hội luôn coi vấn đề nhân quyền đối với các quốc gia độc tài như Việt Nam là một trong những điều quan tâm cốt lõi của nước Mỹ.

Ngoài ra, chỉ có người Việt Quốc gia mới lo lắng cho quê hương và đồng bào mình tận tình và thiết tha. Khi người Việt tha thiết bày tỏ những nỗi niềm ưu tư về tự do, nhân quyền tại đất nước Việt Nam thì mối quan hệ Việt-Mỹ chắc chắn không thể lãng quên trong những cuộc hội họp giữa các giới chức cao cấp giữa hai bên?!.

Cuối cùng, chắc chắn rằng ông Phúc khi gặp ông Trump, sẽ chính thức mời ông Trump tới thăm Việt Nam nhân dịp hội nghị APEC vào tháng 11 tới đây. Hội nghị sẽ diễn ra tại Đà Nẵng, đấy là nơi mà Quân đội Hoa Kỳ bắt đầu tham chiến tại miền Nam Việt Nam kể từ ngày 8-3-1965 (đã 52 năm), khi đơn vị Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ đổ bộ lên bãi biển Nam Ô, Đà Nẵng.

Viết xong 1:15' AM, ngày 31-5-2017

0 nhận xét:

Đăng nhận xét