29/5/17

Nghề luật sư và nghề "đảng viên"

Trần Nhật Phong (Danlambao) - Nghề luật sư bên Mỹ thế nào bạn? Bên Việt Nam hình như nghề này không có cửa để phát triển, ngành này càng lúc càng thui chột, chán quá bạn ạ.

Một người bạn làm nghề luật sư ở Sài Gòn inbox cho tôi, tâm tình sau khi có việc đề xuất ở cái gọi là quốc hội Việt Nam, đòi luật sư phải “tố giác” thân chủ, anh hỏi thăm tôi về ngành luật bên Mỹ như thế nào, và lần đầu tiên tôi lắng nghe sự bất mãn của anh dưới cái gọi là cơ chế đảng trị.

Nói thật, tôi “ngán” nhất nghề luật sư, mặc dù thân phụ của tôi từng là luật sư trước năm 1975, nhưng tôi không thích theo ngành luật, vì việc này ông đã từng giận tôi suốt 2 năm liền khi tôi còn học đại học và chọn ngành… đạo diễn, không theo ngành cha truyền con nối. 

Sống ở Mỹ càng lâu năm, nhất là những ai có tài sản nhiều thì càng “ngán” mấy ông luật sư hơn ai hết, tôi vẫn thường đùa với các bạn bè rằng, xã hội Mỹ, không sợ “thằng” nào cả, không sợ công an, cảnh sát, không sợ chính phủ, mà chỉ sợ luật sư thôi, vì chỉ duy nhất có các ông luật sư là có khả năng “lột” sạch tài sản tích tụ cả đời của mình, nếu "xúi quẩy" vướng vào các vụ kiện tụng.

Nhưng nếu nói một cách nghiêm túc, trong xã hội pháp trị đúng nghĩa như ở Hoa Kỳ và các quốc gia tây phương, các luật sư chính là những “hung thần” đối với những kẻ có quyền thế và lại là “hiệp sĩ” đối với những người thế cô, nghèo khó. 

Ở những xã hội này luật sư chính là lực lượng quân bình xã hội một cách tương đối, nhờ có luật sư mà những cơ quan công quyền, những kẻ nắm quyền lực không thể lạm quyền, họ sử dụng tối đa những điều luật lệ cho phép để bảo vệ cho thân chủ, họ sẵn sàng đề xuất và vận động bãi bỏ, hoặc điều chỉnh các dự luật, đạo luật mà họ thấy có những điều phi lý hay bất công trong bộ luật hiện hành. 

Quyền lực của luật sư ở những xã hội pháp trị mạnh vô cùng, hầu hết các cơ quan quan công quyền, từ tổng thống, chính phủ, cảnh sát. Cơ quan điều tra như FBI, các cơ quan bảo vệ an ninh quốc gia như CIA, NSA cho đến các viên chức đều “sợ” luật sư, vì luật sư có thể khiến cho họ tán gia bại sản, thân bại danh liệt, đôi khi còn phải đi tù nếu những người làm việc cho các nơi này có dấu hiệu lạm quyền, vi phạm luật pháp hay hiến pháp. 

Nguyên tắc của luật sư ở các quốc gia pháp trị là bảo vệ tuyệt đối quyền lợi của thân chủ, dù đó là quyền lợi về pháp lý hay quyền lợi về tài chánh. 

Và hầu hết trong các xã hội pháp trị, những người theo học ngành luật đều là những người luôn tạo ra các cuộc cách mạng thay đổi xã hội, điều chỉnh cho luật lệ càng lúc càng hữu hiệu hơn và công bằng hơn. 

Từ những chuyện nhỏ như đụng xe, các tài xế luôn nhờ đến luật sư để bảo vệ quyền lợi cua họ trước những "lắt léo" ngôn ngữ hợp đồng của các hãng bảo hiểm, cho đến những chuyện to lớn như ô nhiễm môi sinh khu vực, hay lạm quyền của ngành cảnh sát, tất cả đều nhờ đến luật sư để bảo vệ quyền lợi cho các phía. 

Bởi vì trong xã hội pháp trị, mọi việc đều được giải quyết ở tòa án, mà tòa án là ngành tư pháp độc lập hoàn toàn với chính phủ, muốn làm quan tòa, muốn làm công tố viên thì cũng phải tốt nghiệp ngành luật và phải từng hành nghề luật sư. 

Do đó trong xã hội pháp trị, lực lượng tranh đấu cho công bằng xã hội hàng ngày chính là ngành luật hay nói một cách khác là các luật sư, nhờ đó mà xã hội càng lúc càng hoàn chỉnh hơn, luật lệ có sư công bằng tương đối hơn.

Còn trong xã hội đảng trị, các luật sư chỉ là những công cụ không hơn không kém, họ không có quyền hạn gì, ngay cả quyền đại diện cho thân chủ cũng phải "đi xin" và chờ “cho phép”.

Ở trên tòa, các ý kiến đề xuất của họ hay các lý luận về pháp lý của họ đều không được đối xử công bằng, vì còn chờ, đảng quyết định, công an thì thao túng toàn bộ ngành tư pháp, họ kiểm soát toàn bộ tòa án, luật sư chỉ đóng vai trò làm… bình bông cho các vụ kiện tụng. 

Cứ nhìn Formosa thì dể so sánh, nếu trong các xã hội pháp trị hay pháp quyền, Formosa không những phải bồi thường trực tiếp cho các người dân bị ảnh hưởng, tối thiểu nếu có luật sư đại diện cho họ thì mỗi người được bồi thường tệ lắm cũng vài trăm ngàn Mỹ kim cho đến vài triệu Mỹ kim, tùy theo từng trường hợp, còn cá nhân những kẻ điều hành công ty này sẽ đối diện với án tù nhiều năm vì gây ra thảm họa có thể đưa tới những bệnh dịch diệt chủng con người và sinh thái. 

Còn trong xã hội đảng trị thì Formosa được bảo vệ đến tận kẻ răng, luật pháp của xã hội đảng trị chỉ để bảo vệ cho những kẻ vô trách nhiệm nhưng có tiền và có thế. 

Nếu trong xã hội pháp trị như tây phương, những vụ ngộ độc thức ăn trong các công xưởng làm việc, thì các công nhân đã được luật sư bảo vệ và lấy được những bồi thường thỏa đáng cho bản thân của họ và các chủ công xưởng cũng sẽ chờ bị truy tố trước pháp luật về tội cẩu thả, gây hại đến sức khỏe của công nhân.

Còn trong xã hội đảng trị, các công nhân không được bồi thường một xu, ngay cả khi đi cấp cứu trong bệnh viện, cũng phải “bao bì” cho bác sĩ để bản thân được khám trước, các chủ công xưởng thì phây phây không cần chịu trách nhiệm gì cả. 

Luật sư ở xứ đảng trị nói nhẹ nhàng thì chỉ là… bình bông, nói thẳng thắn thì chỉ là thứ công cụ của chính quyền đảng trị, họ vốn không có cơ hội để phục vụ một cách đúng mức cho xã hội. 

Ngành luật sư ở các xứ sở mà đảng trị không phải là chế độ pháp quyền, thì luật sư chỉ kiếm tiền bằng vài ba vụ ly dị ly hôn, “xúi” thân chủ nhận tội để được giảm án, chứ không hề có cơ hội làm một “thầy cãi” đúng nghĩa trên tòa. 

Tôi nói với anh bạn luật sư ở Sài Gòn rằng, nghề luật sư ở Mỹ vừa có danh, vừa có tiền, chỉ coi là anh có “tâm” hay không mà thôi, luật sư ở Mỹ, lợi tức trung bình một năm cũng khoảng 300 ngàn Mỹ kim, người nào mới ra trường được vài năm thì khoảng hơn 100 ngàn Mỹ kim, người nào làm luật sư lâu năm thì cả triệu Mỹ kim một năm, so với luật sư ở Việt Nam thì thế nào?

Anh cười nói với tôi rằng, nghề kiếm bạc triệu ở Việt Nam chỉ cần có “thẻ đảng”, chủ tịch xã thì kiếm vài trăm ngàn cho đến chủ tịch tỉnh hay bí thư tỉnh thì vài triệu Mỹ kim chỉ là chuyện nhỏ, nếu “đúng tần số” điều hành mấy công ty quốc doanh của nhà nước chỉ vài năm vài chục triệu chỉ là con số “nhỏ” đối với các “đảng viên” thôi, Việt Nam làm gì có cửa cho nghề luật sư kiếm bạc triệu, không đi tù là may mắn rồi.

30/5/2017

0 nhận xét:

Đăng nhận xét