Thạch Nhan (Danlambao) - Ông Võ Văn Thưởng, trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đảng, bỗng dưng tuyên bố rằng: "chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo cơ sở để hình thành chân lý."
Tranh luận là chuyện bình thường trong xã hội, chỉ những người không có chính nghĩa, không nắm được chính lý mới sợ tranh luận. Nói không sợ, tức là đã có sợ... Còn nhớ trước đây đảng đã từng chỉ thị báo chí trong nước không được bàn đến các chủ đề dân chủ, đa nguyên, và thực tế cũng đã diễn ra như thế. Hình như là cái học thuyết cách mạng hình thành và áp đặt ở nước ta là do đảng CS dùng bạo lực độc quyền áp chế chứ có phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận nào đâu!? Rõ ràng sự việc này chưa hề có tiền lệ hay lịch sử gì cả.
Hiện nay chưa thấy xuất hiện ai có xu hướng cởi mở hoặc tình thế bắt buộc nào đó khiến đảng phải đưa ra đề nghị đối thoại, cho nên phần chắc đây chỉ là chiêu trò, mánh khóe, nhằm đạt những mục đích khác. Một mũi tên nhưng có thể xuyên thấu nhiều đích điểm khác nhau, có thể đánh bóng, sơn son thiếp vàng cho bộ mặt của nền chính trị Việt Nam và làm câm họng những ai lâu nay vẫn chỉ trích rằng VN vi phạm nhân quyền, phi dân chủ, không có chuyện Việt Nam đàn áp hay cầm tù đối lập chính trị. Trong khi đó, đối lập chính trị thật sự thì bị cho là những kẻ vi phạm pháp luật VN và bị đàn áp dã man.Thủ đoạn ở đây có thể là: tạo ra một dạng đối lập vừa ý, giả danh dân chủ, hoặc thực giả lẫn lộn, như thế tính chất của cuộc đối thoại sẽ là "ta đối thoại với ta". Một khi điều này đã thực hiện được, tinh trạng của người đấu tranh dân chủ thực sự sẽ nguy hiểm hơn gấp bội vì phần nào họ đã mất tính chính danh. Sẽ tồn tại hai loại đối lập, một số được ưu đãi hơn, trong khi số khác lại bị ngược đãi hơn.
Rõ ràng không ai tự có quyền tham gia đối thoại, những người được mời tham dự sẽ do đảng lựa chọn và chỉ định, quyền này ở trong tay của đảng Cộng sản phải phát huy tác dụng sao cho càng làm chia rẽ "phong trào" dân chủ, vốn chẳng đáng gọi là phong trào. Dân chủ nhân quyền là giá trị phổ quát của loài người, ai cũng có thể hiểu được kể cả cộng đảng, vậy nếu đã hiểu rồi còn đối thoại làm gì? Họ muốn chia sẻ quyền lực ư? Người ta chỉ làm như vậy khi bị bắt buộc mà thôi. Vậy chắc đây là chiêu trò rồi!
Với thân phận chỉ là trưởng ban tuyên giáo Trung ương thôi, có cho kẹo ông nầy cũng không dám táo tợn đưa ra đề xuất táo bạo như vậy, có dám cầm đèn chạy trước ô tô không! Nói là còn chờ bộ chính trị thông qua, kỳ thực nó đã được bàn bạc rất kỹ ở đó trước khi để cho Võ Văn Thưởng đưa ra đề xuất, dụng ý nhằm thăm dò phản ứng cộng đồng dân chủ.
Cần nhận thức rõ nguy cơ và những tính toán của Đảng CS để tùy biến các đối sách phù hợp. Theo như gợi ý, đảng chỉ mời tham gia với tư cách cá nhân, các cá nhân có quan điểm khác biệt, bất đồng chính kiến. Vậy những người tham gia đối thoại trên danh nghĩa nào và đại diện cho ai? Xin nói ngay là không đại diện cho ai cả, chỉ nhân danh cá nhân mà thôi. Lúc đó, cuộc đối thoại thực chất chỉ là: góp ý với đảng CS.
Đối thoại là trao đổi, thương lượng với đối tác, đồng cấp, đồng đẳng. Thiết nghĩ, nếu đảng thành tâm, cần phải nói chuyện với các nhóm, tổ chức xã hội, chính trị. Đây cũng là điều kiện tiên quyết của phía các nhà đấu tranh dân chủ. Kiên quyết tẩy chay nếu chỉ được mời với tính cách riêng lẻ, bởi lẽ, nếu như thế, không những đối thoại vô nghĩa, mà còn tạo thêm bất lợi cho phong trào dân chủ trong tương lai.
27/5/2017
0 nhận xét:
Đăng nhận xét