4/6/17

Cho Tuổi Mười Bảy

Lưu Hiểu Ba * Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - Lời người dịch: Hằng năm Lưu Hiểu Ba đều sáng tác một bài thơ tưởng niệm những sinh viên học sinh bị tàn sát ở Thiên An Môn. Ông đã trực tiếp tham gia cuộc phản kháng cùng với họ, cho nên ông luôn luôn tưởng niệm họ bằng những bài thơ chất chứa đầy bao cảm xúc rất bi tráng. Dưới đây là bài thơ tưởng niệm năm thứ hai cuộc thảm sát Thiên An Môn của ông. Người dịch mạo muội dịch bài thơ này để tưởng nhớ hàng ngàn tuổi xuân đã nằm xuống vì niềm khao khát tự do cháy bỏng. Họ là những nạn nhân của cộng sản ngày hôm qua nhưng là những anh hùng của ngày mai.

*

(Em không lắng nghe lời răn bảo của cha mẹ, nhảy qua cửa sổ phòng tắm, lẻn đi.

Khi em ngã xuống vẫn giương cao lá cờ, em chỉ mới 17. Nhưng tôi sống; tôi đã 36. Dưới bóng em, còn sống là mang tội, còn làm thơ tặng em lại càng thêm phần xấu hổ. Người sống nên câm miệng lại để lắng nghe bao tiếng thì thầm từ đáy mộ. Tôi không xứng đáng làm thơ tặng em. Tuổi em 17 còn đáng hơn mọi thi ca và kiến trúc nhân tạo)

Tôi sống,
tiếng thơm hoen ố.
Tôi không có can đảm và tư cách,
để trao cho em bó hoa và bài thơ,
để bước đến nụ cười tuổi mười bảy,
dù tôi biết-tôi biết-
Tuổi mười bảy chẳng mảy may nuôi lòng oán hận.

Tuổi em mười bảy bảo tôi:
đời là bình thường chẳng dát vàng son,
như ngắm nhìn sa mạc nghìn trùng
chẳng cần bóng cây, chẳng cần nước,
chẳng cần điểm vài bông hoa,
chỉ nhận vào ánh nắng tàn bạo.

Vào tuổi mười bảy, em quỵ ngã bên đường,
từ đấy đường biến mất.
Vào tuổi mười bảy, mắt em mở ra trong bùn
em hiền như trang giấy trắng,
Từ đây, trên đời này,
tuổi mười bảy.
em chẳng còn gì,
chỉ còn tuổi thanh xuân mãi trinh trắng.

Lúc em, tuổi mười bảy, tắt thở
Kỳ diệu thay
em vẫn không mất hy vọng.
Đạn bay rít qua núi,
chấn động đại dương,
khi tất cả hoa trên đời tạm thời
chỉ có một màu duy nhất.
Tuổi mười bảy, em không mất hy vọng,
không được mất hy vọng.
Tất cả tình thương em chưa bao giờ trao ai
nay dành hết cho me;
tóc mẹ giờ bạc trắng, em ơi.

Mẹ từng nhốt em trong nhà.
nay dưới lá cờ đỏ năm sao
mẹ không còn người nối dõi.
ánh mắt hồn em kêu người mẹ cao quý của em,
máu thịt của em,
thức dậy.

Mẹ mang di nguyện của em,
đi giữa bao bia mộ.
Khi mẹ sắp ngã quỵ
Hồn em nương theo hơi gió về
đến nâng đỡ mẹ,
chỉ đường cho mẹ.

Vượt qua tuổi già hay tuổi xuân,
vượt qua cái chết,
Tuổi mười bảy,
đã
bất tử.

(Ngày 1 tháng Sáu, 1991, giữa đêm khuya ở Bắc Kinh)


0 nhận xét:

Đăng nhận xét