7/11/16

Một cuộc bầu cử tổng thống xấu xí

Ls Nguyễn Văn Thân - Danlambao) - Chỉ còn vài ngày nữa là người dân Mỹ bỏ phiếu bầu chọn vị tổng thống thứ 45. Đây không chỉ là một cuộc bầu chọn người đứng đầu chính quyền hành pháp Mỹ mà còn là một sự chọn lựa lãnh tụ của thế giới tự do trong bối cảnh an ninh và trật tự toàn cầu ngày càng phức tạp với sự trỗi dậy của Trung Quốc và thái độ hung hãn của Liên Bang Nga.

Thông thường, một sự kiện như vậy là niềm vui và hy vọng cho mọi người yêu chuộng tự do và hòa bình. Không chỉ có cử tri Mỹ đi bầu mà công dân toàn cầu cũng chú ý và hồi hộp theo dõi vì dù muốn hay không thì kết quả của cuộc bầu cử tổng thống sẽ có ảnh hưởng phần nào đến đời sống và tương lai của họ.

Nhưng thật đáng tiếc đây là một cuộc tranh cử xấu xa và bẩn thỉu chưa từng thấy. Báo chí Trung Quốc mô tả cuộc tranh cử này là một màn quảng cáo tồi tệ cho hệ thống chính trị dân chủ Mỹ và chứng minh là nó không có gì ưu việt hoặc tốt đẹp hơn thể chế "dân chủ tham khảo" (consultative democracy) của Trung Quốc. Người dân ở châu Phi thì xem đây là một chương trình truyền hình thực tế sử dụng những cảnh sex hài rẻ tiền làm cho người ta gượng cười để quên đi hoàn cảnh nghèo đói. Nguyên nhân không chỉ là vì cả hai ứng cử viên tổng thống đều có quá nhiều tai tiếng làm cử tri phải chọn người nào đỡ tệ hơn hoặc phải bầu cho người này chỉ vì không chịu nỗi người kia. Nó cũng cho thấy là xã hội và hệ thống chính trị của Mỹ đang có một số vấn đề không ổn.

Trước hết là bà Hillary Clinton. Cái tội lớn nhất của bà là làm vợ của Bill Clinton, tổng thống hai nhiệm kỳ từ 1993 tới 2001. Có thể nói là dưới thời của ông Clinton, Hoa Kỳ phát triển cường thịnh về mặt kinh tế và thế giới được hưởng một giai đoạn khá ổn định và hòa bình. Nhưng người Mỹ không nhớ tới những thành tựu này mà chỉ nhắc tới "thành tích" lăng nhăng của ông đối với đàn bà. Trong suốt giai đoạn tranh cử và làm tổng thống, Bill Clinton bị một vài phụ nữ tố cáo là ông đã có hành vi quấy nhiễu tình dục hoặc có quan hệ ngoại tình với họ rồi chối bỏ. Dĩ nhiên là xém một chút thì ông đã bị truất phế vì vụ Monica Lewinsky. Một số cử tri Mỹ đặc biệt là cử tri bầu cho Đảng Cộng Hòa không thích bà Hillary Clinton vì bà đã chọn tha thứ và vẫn ủng hộ chồng sau những vụ xì-căng-đan tình ái bê bối như vậy.

Một điểm khác mà Đảng Cộng Hòa nhắm vào để tấn công Hillary là bà kiếm quá nhiều tiền khi được mời làm diễn giả nói chuyện trước đám đông thương gia và doanh nhân giàu có. Bà từng là Đệ Nhất Phu Nhân qua hai nhiệm kỳ và làm Ngoại Trưởng Hoa Kỳ trong nhiệm kỳ đầu của Tống Thống Obama. Nhưng không chỉ có bà mà những người cựu tổng thống hoặc thủ tướng như Bill Clinton, George Bush, Tony Blair đều kiếm rất nhiều tiền qua những buổi nói chuyện như vậy (speakers circuit). Thương gia sẵn sàng bỏ ra vài ngàn đô mua vé tham dự nghe họ nói chuyện vì họ từng là những người nắm các chức vụ cao nhất trong chính quyền có kiến thức và kinh nghiệm hiếm hoi. Các diễn giả này có thể kiếm vài trăm ngàn đô trong một giờ nói chuyện. Thật ra thì cũng đâu có gì để mà ghen tức. Tại sao giới lao động không than phiền khi các ca nhạc sĩ, diễn viên, cầu thủ bóng đá hay bóng rổ kiếm hàng trăm ngàn hoặc hàng triệu đô sau một buổi thi đấu, trình diễn hay đóng một cuốn phim mà lại đặt vấn đề với chính trị gia đã về hưu kiếm tiền bằng cách chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm? Miễn là họ không tiết lộ bí mật quốc gia. Điều này phần nào nói lên tâm lý nhỏ mọn của con người. Tài năng nghệ thuật hoặc thể thao hái ra tiền thì không sao nhưng người có kiến thức về chính trị và xã hội làm giàu vì khả năng "nói chuyện" của họ thì không được.

Nhưng lỗi lầm lớn nhất của Hillary Clinton là bà đã sử dụng email riêng trong suốt nhiệm kỳ làm Ngoại Trưởng. Bảo toàn thông tin bí mật quốc gia là một nguyên tắc sơ đẳng mà đối với một người dày dạn kinh nghiệm chính trường như bà thì đây là một điều bất cẩn không thể tha thứ được. Nó không chỉ có nguy cơ làm tổn lại đến an ninh quốc gia nếu thông tin bảo mật bị lọt ra ngoài mà phần nào biểu lộ tính ngạo mạn của một người có quá nhiều quyền lực trong tay đến nỗi làm họ có thể xem thường lợi ích quốc gia.

Nhưng không ai có thể qua mặt Donald Trump với danh hiệu là người Mỹ xấu xí. Ông Trump đã phơi bày cho toàn thế giới thấy bộ mặt của một người ăn tục nói phét, tự cao tự đại, xàm xỡ, nham nhở. Một xã hội cũng như một con người đều có chứa những tố chất tốt và xấu. Vi khuẩn tốt kiểm soát thì cơ thể lành mạnh. Vi khuẩn xấu hoành hành thì cơ thể bệnh hoạn. Một xã hội, tập thể cộng đồng cũng vậy. Lãnh tụ đàng hoàng, đạo đức thường chú trọng đến việc nhấn mạnh tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, bao dung và hướng thượng. Các tay hoạt đầu chính trị buôn thần bán thánh thì sẽ tìm cách đổ lỗi cho những thành phần thiểu số trong xã hội, khai tác mâu thuẫn để tạo chia rẽ, đố kỵ cùng với những chính sách trừng phạt hằn học đối với những người sức yếu thế cô. Chính sách của Trump là nhắm vào những người đó. Ước lượng có khoảng 11 triệu người di dân không có giấy tờ rõ ràng với số đông là người Mễ. Nếu thắng cử, Trump sẽ cho xây bức tường "Bá Linh" dọc theo biên giới Mễ Tây Cơ để "bảo vệ công ăn việc làm" cho công dân Hoa Kỳ. Nhưng đa số việc làm này thuộc về lao động tay chân như rửa chén, làm sạch nhà vệ sinh, hầu bàn mà chỉ có người Mễ làm chớ người Mỹ không chịu làm. Về chính sách chống khủng bố, Trump đưa ra một thông cáo báo chí vào tháng 12 năm 2015 đề nghị ngăn cấm không cho bất cứ người Hồi Giáo nào được vào Mỹ cho tới khi chính quyền "tìm ra chuyện gì đang xảy ra". Chính sách này của Trump cũng đã được Đảng One Nation của Pauline Hanson tại Úc sao y bản chính. Ngoài ra, với Trump thì "trấn nước" (waterboarding) là còn quá nhẹ nhàng. Ông sẽ sử dụng những hình thức tra tấn "hữu hiệu" hơn để bắt tội phạm khủng bố khai báo mặc dù luật pháp quốc tế và của Mỹ ngăn cấm mọi hình thức tra tấn. Nếu vi phạm là có thể bị truy tố hình sự ở cấp quốc gia hoặc quốc tế.

Về ngoại giao, Trump sẽ tiến hành chính sách "bế môn tỏa cảng", vứt TPP và các hiệp ước thương mại vào sọt rác rồi rút quân ra khỏi Châu Á - Thái Bình Dương. Dưới triều đại Trump, chắc chắc là các quốc gia trong vùng sẽ không có sự lựa chọn nào khác hơn là ngả vào quỹ đạo của Trung Quốc. Vào tháng 8 vừa qua, 50 viên chức an ninh cao cấp nhất của Đảng Cộng Hòa gồm có cố vấn an ninh cho cựu Tổng Thống George W Bush đã cùng ký tên trên thư ngỏ cảnh báo là Trump "thiếu tư chất, nguyên tắc và kinh nghiệm" để làm tổng thống và sẽ là mối nguy cơ cho nền an ninh quốc gia của Mỹ.

Không chỉ thiếu khả năng và kinh nghiệm, có thể khẳng định Trump là một người hoàn toàn không có tư cách để làm lãnh tụ của thế giới tự do đại diện cho hàng tỷ người. Sau khi cuộn băng thu âm ghi lại chính lời nói của Trump khoe khoang về sở thích xàm xỡ, sờ mó chỗ kín của phụ nữ thì đã có hàng chục bà lên tiếng xác nhận họ đã từng là nạn nhân của ông. Trong cuộc tranh luận với Hillary, Trump cố ý thu xếp cho một số phụ nữ từng tố cáo Bill Clinton có hành vi xâm phạm tình dục đối với họ lên ngồi hàng ghế đầu để uy hiếp đối thủ tranh luận. Trong lúc tranh luận, Trump nhiều lần ngắt lời và còn công khai nguyền rủa Hillary là một "mụ đàn bà ác độc". Chẳng những thế, Trump còn hăm he là nếu đắc cử thì ông sẽ cho tiến hành điều tra và bỏ tù Hillary vì vụ sử dụng email riêng. Trong các cuộc vận động tranh cử, Trump sách động cho đám đông cuồng nhiệt la to: "nhốt nó lại, nhốt nó lại" (lock her up). Chưa đủ, thấy có vẻ không thắng được Hillary qua các cuộc tranh luận, Trump tưởng tượng là họ đang chơi thể thao và cho rằng bà Clinton ''ăn gian'' bằng cách sử dụng chất kích thích. Nhưng tệ hại nhất là Trump thường xuyên than phiền rằng hệ thống bầu cử của Mỹ đầy gian lận và lý do duy nhất mà ông có thể thất cử là vì hệ thống gian lận này. Ông còn dõng dạc tuyên bố là ông chỉ công nhận kết quả bầu cử nếu ông thắng và ngụ ý rằng cổ động viên của ông có quyền nổi loạn nếu ông thất cử.

Trong một xã hội dân chủ bình thường thì một người như Trump không có cơ hội để tranh chức lãnh tụ quốc gia. Nhưng xã hội Mỹ hiện nay đang ở trong giai đoạn không bình thường. Đảng Cộng Hòa sau hai nhiệm kỳ của Tổng Thống Obama ngày càng trở nên cực đoan và tiến xa vào khuynh hướng cực hữu. Tiếng nói lý lẽ và chín chắn của những đảng viên Cộng Hòa chân chính có tầm vóc như Thượng Nghị Sĩ John McCain và Đại Tướng Colin Powell thì bị đám đông điên cuồng lấn át. Nhóm lãnh đạo hiện nay cũng chẳng ra gì. Họ thù ghét Hillary và Bill Clinton và sẽ chống đối bà bằng mọi cách. Cho dù cái giá phải trả là bán rẻ lương tâm để ủng hộ một con người lố bịch như Trump thì... "so be it".

Bầu cử tại Mỹ kéo dài hơn cả năm từ những cuộc bầu cử sơ bộ để tuyển ứng viên. Ước lượng là các ứng viên tổng thống, dân biểu quốc hội và đảng phái sẽ chi hơn 5 tỷ Mỹ kim trong đợt này so với 2.5 tỷ vào năm 2012. Bản thân Trump đã chi hết 56 triệu từ tiền túi riêng. Nếu không là tỷ phú hoặc triệu phú thì khó mà có điều kiện ra tranh cử. Chi ngần đó tiền để được xem hai cao thủ thí triển hết tuyệt kỹ công phu thì cũng không đáng tiếc. Nhưng nếu chỉ là hai con gà nuốt giây thun đá nhau thì dù con nào thắng cử tri cả nước cũng bị đại bại. Trong một thể chế đại nghị của Anh hoặc Úc, một người rỗng tuếch như Trump sẽ không bao giờ có cơ hội trở thành lãnh tụ. Chỉ có tổng thống chế thỉnh thoảng mới sản xuất ra được những kẻ như Trump hoặc Duterete trong trường hợp của Phi Luật Tân. Cuộc bầu cử này cũng là một thách thức về mặt đạo đức cho người Mỹ. Trong lúc Hillary đang dẫn đầu khá xa theo các con số thăm dò thì Giám đốc FBI cho biết rằng sẽ tiếp tục điều tra vụ email chỉ 11 ngày trước ngày bầu cử. Nhưng mới đây FBI lại thông báo là đã điều tra xong và bà Hillary sẽ không bị truy tố. Câu hỏi là khi người ta đã ném quá nhiều bùn thì cuộc đua có còn sạch sẽ được không? Có nghĩa là Trump vẫn có cơ hội thắng cử trở thành tổng thống. Nếu kết quả là thế thì Tượng Nữ Thần Tự Do coi như bị sụp đổ hoặc nên bị kéo xuống. Kẻo khi Tổng Thống Trump ngứa ngáy sờ mó bậy bạ thì sẽ không còn ra thể thống gì cả.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét